Sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện góp phần xây dựng hạ tầng số
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số.
Chiều ngày 15/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.
Theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định quan điểm sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.
Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan (báo cáo chi tiết trình kèm) trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo quy định.
Cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật, tại phiên họp chiều ngày 15/6, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; đồng thời nhấn mạnh tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn Hải Phòng cơ bản tán thành về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà các tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 1 của dự thảo luật.
Trong đó, cần quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm, độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Tuy nhiên, đại biểu Lã Thanh Tân băn khoăn về việc thực tế tại Việt Nam nhu cầu tần số của mỗi nhà mạng khác nhau, phụ thuộc vào số lượng thuê bao. Việc quy định giới hạn có thể dẫn đến không đủ tài nguyên tần số, doanh nghiệp cần ít lại được cấp nhiều tần số, doanh nghiệp cần nhiều không có gây lãng phí tài nguyên.
Mặt khác, khi công nghệ ngày càng phát triển, quỹ băng tần ngày càng mở rộng trên các băng tần cao với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh như hiện nay thì băng tần càng nhiều. Việc quy định giới hạn có thể gây khó khăn trong việc xác định được số lượng, tỷ lệ băng tần có thể được cấp cho mỗi nhà mạng.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện xác định hạn mức sử dụng băng tần. Theo đại biểu Lã Thanh Tân, trong dự thảo luật đã quy định nguyên tắc xác định giới hạn bảo đảm tránh tích tụ tần số nhưng cũng không phân bổ bình quân tần số, như vậy là chưa thỏa đáng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắc để xác định hạn mức sử dụng băng tần nhằm đảm bảo quy định không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013.
Về vấn đề này, dự thảo luật đã có quy định nguyên tắc xác định giới hạn bảo đảm tránh tích tụ tần số để không dẫn đến độc quyền viễn thông. Điều này không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đối với ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về giới hạn băng tần là áp dụng cho một doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, quy định tại dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với từng doanh nghiệp mà không áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp. Một nhóm doanh nghiệp không thể tích tụ tần số, tần số cấp riêng cho từng doanh nghiệp được sử dụng riêng. Nếu chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong nhóm thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vẫn bị giới hạn về tích tụ tần số.
Quỳnh Nga - Lan Anh