Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự: Rút ngắn thời gian thi hành án
Sáng 22/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).
Cần xây dựng cơ chế bảo vệ Chấp hành viên
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cho biết: Chính phủ đã thông qua 5 chính sách của Dự thảo Luật THADS. Bao gồm: Quy định đầy đủ phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong THADS. Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác. Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống Cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS. Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS. Tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động THADS.
Trao đổi tại cuộc họp, Cục trưởng Cục THADS Đắk Lắk Vũ Tuấn Anh cho biết hiện nay ngoài bản án đã có hiệu lực của Tòa án, cơ quan THADS còn phải thi hành các quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quyết định này rất phức tạp, kéo dài, đương sự thường lợi dụng để tẩu tán tài sản. Do vậy đồng chí đề xuất nên chăng phạm vi điều chỉnh của Luật THADS (sửa đổi) quy định cơ quan THADS không thi hành loại quyết định này bởi các quyết định thỏa thuận, hòa giải mang tính chất tự nguyện nên các bên đương sự tự thi hành.
Về trình tự, thủ tục THADS, đồng chí đề xuất Luật sửa đổi dành riêng 1 điều quy định về việc bảo vệ cưỡng chế và bảo vệ các yêu cầu khác của Chấp hành viên trong quá trình làm nhiệm vụ.
Nêu lên thực tế phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, Cục trưởng THADS Đắk Lắk đề xuất ngay khi kê biên, niêm phong tài sản, cơ quan THADS giao cho người trông coi, bảo quản, tiền trông coi này trừ vào tiền bán tài sản thi hành án. Sau 3 lần cưỡng chế mà không giao được tài sản thì yêu cầu người mua nhận lại tiền để tránh bồi thường về sau (nhất là đối với các tài sản có giá trị lớn, lãi suất lớn), khi nào giao được tài sản thì mới nộp tiền.
Đề xuất hạn chế một phần quyền thỏa thuận của các đương sự
Còn Cục trưởng Cục THADS Nam Định Nguyễn Minh Đức cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy trình, thủ tục THADS. Đương sự hiện nay có quyền tự nguyện thỏa thuận xuyên suốt quá trình thi hành án, nên chăng chỉ được 1 lần thỏa thuận, khi cưỡng chế kê biên thì không còn quyền thỏa thuận, như vậy mới có thể rút ngắn thời gian thi hành án.
Ngoài ra, quy định giao người phải thi hành án quản lý tài sản cũng phát sinh nhiều bất cập bởi nhiều trường hợp xây dựng trên tài sản đã kê biên, lấn sang tài sản khác. Khi đó, chính quyền cưỡng chế hành chính, tháo dỡ đôi khi lại không cùng quan điểm với cơ quan THADS.
Bày tỏ đồng tình, Cục trưởng Cục THADS Hòa Bình Trần Văn Dũng cho rằng nên hạn chế một phần quyền thỏa thuận của các đương sự để tránh tình trạng thi hành án kéo dài. Ngoài ra, đồng chí đề xuất quy định trong trường hợp đương sự không tự nguyện, phối hợp trong công tác xác minh thì Chấp hành viên phối hợp cơ quan công an, kiểm sát, chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế xác minh. Đây là quy định mới mà Luật THADS hiện hành chưa có.
Còn đại diện TAND tối cao đề nghị cân nhắc việc mở rộng quyền của đương sự, đặc biệt là quyền chủ động xác minh thi hành án bởi đây là trách nhiệm của cơ quan THADS.
Sau khi nghe các ý kiến, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đề nghị việc sửa đổi Luật THADS cần dựa trên tổng kết thực tiễn, nêu ra những vướng mắc khó khăn cần sửa đổi. Nội dung bổ sung phải có căn cứ, đáp ứng yêu cầu chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ đó nêu bật được sự cần thiết ban hành Luật.
Cho ý kiến cụ thể hơn, đồng chí yêu cầu các quy định phải khả thi, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từ đó có giải pháp cụ thể; cần thiết có cơ chế bảo vệ Chấp hành viên nhưng phải đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan. Đồng thời thiết kế một số điều đảm bảo trách nhiệm của Viện KSND các cấp trong hoạt động thi hành án tương thích với Luật tổ chức Viện KSND…
Thứ trưởng Mai Lương khôi đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập ghi nhận đầy đủ các ý kiến tại phiên họp để chọn lọc, tiếp thu. Theo Thứ trưởng, việc xây dựng dự án Luật THADS (sửa đổi) được coi là thách thức lớn với cơ quan chủ trì soạn thảo vì có tác động xã hội lớn, liên quan đến chức năng nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan.
Do vậy, các thành viên Ban soạn thảo cần tiếp tục có ý kiến góp ý; đồng thời phát huy vai trò của Tổ biên tập, thành lập các nhóm để giải quyết các vấn đề; phối hợp với các cơ quan có liên quan, các đơn vị của Bộ Tư pháp rà soát lại các ý kiến theo từng nhóm vấn đề. Sau khi thống nhất các vấn đề tại dự thảo mới nhất, Ban soạn thảo sẽ gửi lại cho các thành viên và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi.