Sửa đổi Luật Thủ đô: Những quy định có tính đột phá về bảo hiểm y tế
Theo nhận định, xét về tổng thể, về cơ chế phát triển y học gia đình tại dự thảo Luật Thủ đô, việc sử dụng nguồn bảo hiểm y tế cho y học gia đình và cấp cứu ngoại viện có thể sẽ không làm tăng tổng chi cho bảo hiểm y tế, mặt khác lại giúp chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân toàn diện, hiệu quả hơn.
Sử dụng nguồn bảo hiểm y tế cho y học gia đình
Về cơ chế phát triển y học gia đình, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giao HĐND TP Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
Đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện, bao gồm chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện, các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương…, hiện đang có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập...
Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.
Dự thảo Luật giao UBND TP Hà Nội quy định về lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thủ đô; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; việc thanh toán dịch vụ y tế từ nguồn ngân sách địa phương của TP Hà Nội, quỹ bảo hiểm y tế và nguồn thu từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Đây là quy định đặc thù cho TP Hà Nội vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện.
Việc sử dụng chi phí của quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng của lĩnh vực bảo hiểm. Đây là giải pháp tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại Thủ đô, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Vì khi bảo hiểm y tế chi trả cho việc khám chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện kịp thời cấp cứu vào “thời điểm vàng” của bệnh nhân, như vậy, sẽ giảm rất nhiều chi phí khám bệnh, chữa bệnh sau này.
Theo đánh giá của GS.TS.BS. Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, cán bộ y tế của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Một minh chứng cho thấy trước năm 2013, khi Hà Nội ký kết Dự án đào tạo đội ngũ bác sĩ Nội trú với Trường ĐH Y Hà Nội thì số bác sĩ nội trú tốt nghiệp làm việc cho các bệnh viện trực thuộc Hà Nội trong vòng 40 năm chỉ là 60 người (giai đoạn 1974 - 2012).
Khắc phục điều này, giai đoạn 2013 - 2020, lãnh đạo Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với Trường ĐH Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm Trường ĐH Y Hà Nội đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ nội trú thuộc các chuyên ngành khác nhau. Nếu tính đến sự cân đối về chất lượng nguồn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa thì bức tranh còn “ảm đạm” hơn nhiều. Hãy tạm so sánh danh mục chuyên môn mà các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội làm được với các bệnh viện tuyến Trung ương đóng ngay trên địa bàn thì chúng ta sẽ thấy rõ. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội ở giữa thủ đô như: Pháp y, giải phẫu bệnh, lao, truyền nhiễm, xét nghiệm... Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều.
Cần có cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô
GS.TS.BS. Tạ Thành Văn cho rằng, về Điều 26 “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân” Khoản 1 Điều 26 quy định: “Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại, theo mô hình ba cấp, phù hợp với quy mô dân số, địa bàn phục vụ. Tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình của Thủ đô, bảo đảm chăm sóc liên tục, toàn diện sức khỏe Nhân dân. Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập”.
Về cơ bản, chúng tôi đồng tình với nhiều điều khoản được sửa đổi theo dự thảo. Đặc biệt lần sửa đổi này tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bởi lẽ Thủ đô Hà Nội mặc nhiên được “tận hưởng” nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, trong các lĩnh vực như quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ… Quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo là phù hợp với thực tiễn, tiềm năng nguồn lực y tế ở Thành phố; đồng thời tạo lập mục tiêu và định hướng phát triển cho hệ thống y tế ở Thủ đô.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, Trường ĐH Y Dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Điều này đặc biệt quan trọng bởi lẽ chỉ riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này. Dù là cơ sở y tế hay trường ĐH nào trực thuộc trung ương, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội. Các chính sách này tạo không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.
Hà Nội cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Cơ sở dữ liệu bao gồm: 1) Thông tin chung: Số lượng nhân viên y tế của từng khoa/phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô; sự thay đổi và biến động hàng tháng; nhu cầu phát triển hàng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai..; 2) Thông tin cá nhân của từng nhân viên y tế chi tiết tới thời hạn của chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực chuyên môn và số giờ tham gia đào tạo liên tục hằng năm...
Tất cả các thông tin trên sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho các nhà quản lý đưa ra các chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hàng năm của từng chuyên khoa, tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.
Hà Nội cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hợp lý để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Cần có một tư duy thống nhất: dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, chủ thể của xã hội, tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Do vậy chúng ta cần có một chính sách công bằng cho sự phát triển của cả hai nhóm cơ sở y tế này. Ngoài nguồn bảo hiểm, ngân sách thành phố cần bảo đảm cho hệ thống cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cần đặc biệt chú trọng đầu tư và ban hành các chính sách khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao cho y học gia đình và y tế cơ sở, nơi tiếp cận người bệnh sớm nhất.