Sửa đổi Nghị định 67: Chính sách cần sát thực tiễn
Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) ra đời với chủ trương đóng mới, cải hoán tàu cá nhằm hiện đại hóa đội tàu vươn khơi, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai cho thấy vẫn còn khoảng trống rất lớn từ chính sách đến thực tiễn.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, năm 2014, Nghị định 67 được áp dụng với mong muốn hiện đại hóa đội tàu cá, phát triển nguồn lợi thủy sản. Các năm sau đó, 62 tàu đóng mới từ vốn vay Nghị định 67 có 11 tàu vỏ thép và 51 tàu vỏ gỗ với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng lần lượt hạ thủy đánh bắt.
Tuy nhiên, khoảng 80% tàu cá đóng mới từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 đánh bắt không hiệu quả. Hiện có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện, đấu giá để thi hành án.
Không chỉ ở Quảng Ngãi, thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Phú Yên được đóng mới theo Nghị định 67 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đáng chú ý, có không ít trường hợp lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề, trong đó có 10 chủ tàu mất khả năng trả nợ kéo dài nên bị các tổ chức tín dụng khởi kiện ra tòa...
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến khoản nợ xấu nêu trên là do ngư trường khai thác không thuận lợi, nguồn thủy sản giảm sút, dịch bệnh Covid-19, giá cả biến động, trong khi năng lực khai thác của các chủ tàu yếu kém nên nguồn thu không đủ bù chi, một số chủ tàu cá thiếu trách nhiệm trả nợ vay, cố tình dây dưa treo nợ…
Hiện, các địa phương cũng đã có văn bản kiến nghị các ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ vay. Đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu cho Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro, hỗ trợ ngân hàng thương mại đã cho ngư dân vay đóng mới theo Nghị định 67 để xử lý dứt điểm các tàu không hiệu quả.
Để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế tổn thất, rủi ro cho người dân và các ngân hàng cho vay, đảm bảo hiệu quả các chính sách ban hành, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT có báo cáo Chính phủ và phối hợp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 67.
Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, những vấn đề của Nghị định 67 đã thể hiện những vướng mắc trong xây dựng cơ chế, chính sách. Những vướng mắc đó là bài học kinh nghiệm quý giá để xây dựng Nghị định mới cho ngành thủy sản. Vì vậy, Nghị định mới của ngành thủy sản cần dành một phần dung lượng cho việc tổ chức lại sản xuất.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - cho rằng, Nghị định 67 được triển khai gần 8 năm, tuy nhiên, đối tượng được hưởng chính sách trong Nghị định này mới chỉ dừng lại ở các đội tàu đánh cá xa bờ mà chưa bao hàm đối tượng phát triển nuôi biển công nghiệp.
Tiềm năng nuôi trồng thủy hải sản của Việt Nam được đánh giá rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt. Để phát triển nghề nuôi biển công nghiệp bền vững, ông Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị, cần đưa đối tượng này trở thành một trong những đối tượng được các chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định 67 sửa đổi, nhất là các cơ chế chính sách về tiêu chuẩn, bảo hiểm, hỗ trợ vay vốn ngân hàng.
Theo ông Phạm Quang Toản - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Thủy sản), Nghị định 67 là một trong những chính sách rất quan trọng của ngành thủy sản và tạo được sự đồng thuận rất lớn trong ngư dân cũng như bước chuyển dịch cơ bản về khai thác. Tổng số tàu hoạt động gần bờ giảm 14%, trong khi đó, số tàu hoạt động xa bờ tăng 20% so với thời điểm 8 năm trước. Việc này dẫn đến sự chuyển dịch trong tái cơ cấu trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, nhất là các chính sách liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, tín dụng, bảo hiểm, đào tạo cho ngư dân, hỗ trợ nhiên liệu đi và về cho các tàu dịch vụ, hỗ trợ thiết kế mẫu tàu....
Do đó, dự thảo Nghị định 67 sửa đổi sẽ tập trung vào việc đề xuất các chính sách đầu tư xây dựng và phát triển hơn nữa cho cơ sở hạ tầng nghề cá, hạ tầng nuôi trồng thủy sản cũng như bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đây là những vấn đề mà trong Nghị định 67 chưa đề cập đến nhiều.
Bên cạnh đó, làm rõ chính sách liên quan đến chuyển đổi tàu, bổ sung chính sách bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản trên biển và đặc biệt bổ sung các chính sách cho khu vực bảo tồn biển, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các chuyên gia nhận định, muốn tháo gỡ khó khăn cho tàu cá đóng mới thì Nghị định 67 sửa đổi cần phải có những giải pháp cụ thể hơn, bám sát thực tế hơn để chính sách có thể đi vào cuộc sống và nghề biển có thể phát triển bền vững.
Nguyễn Hạnh