SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH SỐ 1211/UBTVQH13: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO VIỆC TIẾP TỤC SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Báo cáo tại cuộc làm việc về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên quan đến quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để khắc phục những hạn chế, bất cập và kịp thời thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng, cụ thể hóa quy định mới của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính thì việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 là cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với các cơ quan về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên quan đến quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính,

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với các cơ quan về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên quan đến quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính,

Nhiều đơn vị hành chính còn chưa đạt tiêu chuẩn

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sau hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 86 Nghị quyết vể thành lập, nhập, điều chỉnh địa chính, sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ, đúng quy định, bước đầu đã giảm được 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm được 563/11.162 đơn vị hành chính cấp xã, khắc phục triệt để tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính, được dư luận và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các đơn vị hành chính sau khi thành lập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đã tăng về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời việc thành lập, mở rộng địa giới đơn vị hành chính đô thị đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Cùng với đó, công tác phân loại đơn vị hành chính được tiến hành chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế dộ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nêu rõ, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhiều đơn vị hành chính còn chưa đạt tiêu chuẩn. Nguyên nhân các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn là do: các đơn vị hành chính ở nước ta có quá trình hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ; có độ chênh lệnh, giãn cách quá lớn giữa mức thấp nhất với mức cao nhất về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính cùng cấp; việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính ngoài việc phải căn cứ vào các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính còn phải tính đến các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, …

Ngoài ra, quy định của Nghị quyết số 1211 cũng có những hạn chế, bất cập như: Tiêu chuẩn về số đơn vị hành chính trực thuộc của 04 loại đơn vị hành chính là cao so với thực tế của đa số các đơn vị hành chính hiện nay và chưa phù hợp với xu hướng sắp xếp để tiếp tục giảm số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới; Chưa có quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù ở miền núi, vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đô thị có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa và du lịch; Chưa có quy định rõ các trường hợp đặc thù trong việc áp dụng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính khi thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính;…

Đồng thời, trong quá trình thực hiện Nghị quyết đã có nhiều chủ trương mới của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định mới về tổ chức đơn vị hành chính, đặc biệt là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và sự thay đổi về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 03 thành phố trực thuộc Trung ương;…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, để khắc phục những hạn chế, bất cập và kịp thời thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng, cụ thể hóa quy định mới của pháp luật về tổ chức đơn vị hành chính thì việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc làm việc

Bổ sung tiêu chuẩn đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù, giảm tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù của miền núi, vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa và du lịch; trên cơ sở đó sửa đổi các quy định về điều khoản áp dụng để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của đất nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hạn và trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cho phù hợp với quy định của pháp luật; tạo cơ sở pháp láy cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030.

Dự thảo Nghị quyết gồm 03 điều, trong đó Điều 1 quy định về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành. Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 10/32 điều; bổ sung 04 điều mới (gồm các điều 3a, 9a, 28a, 31a) và bãi bỏ Điều 10 (do chuyển nội dung về xác định tiêu chuẩn quy mô dân số sang Điều 29) của Nghị quyết số 1211. Cụ thể: Tập trung sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù và giảm tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của 04 loại đơn vị hành chính (gồm tỉnh, thành phố thuộc trung ương, huyện, quận.

Về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn và đơn vị hành chính đô thị trong trường hợp đặc thù, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định một số đơn vị hành chính có tính chất đặc thù để được áp dụng mức thấp hơn của một số tiêu chuẩn về quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ số đơn vị hành chính trực thuộc so với quy định chung gồm: đơn vị hành chính nông thôn ở miền núi, vùng cao hoặc biên giới; đơn vị hành chính đô thị có di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể được Liên Hợp quốc đưa vào danh mục di sản thế giưới hoặc được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong các quy hoạch đã được phê duyệt.

Về tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung theo hướng: giảm tiêu chuẩn về số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận; sửa đổi tiêu chuẩn về “tỷ lệ quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện” đối với thành phố trực thuộc trung ương thành “tỷ lệ quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện” để phù hợp với xu hướng phát triển lên thành phố trực thuộc trung ương của một số đô thị.

Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất sửa đổi, bổ sng một số nội dung liên quan đến cách tính điểm hoặc làm rõ việc xác định tiêu chuẩn khi phân loại đơn vị hành chính; hồ sơ, trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nơi không tổ chức Hội đồng Nhân dân; việc thành lập Hội đồng thẩm định đề án và điêùkhoản áp dụng Nghị quyết./.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67219