Sữa giả, nguy hiểm thật
Vụ phát hiện đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn dùng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người bệnh tiểu đường, suy thận… đang được dư luận quan tâm, nhiều người tiêu dùng lo lắng. Điều này cũng cho thấy việc buông lỏng quản lý thực phẩm hiện nay. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, gây thiệt hại kinh tế, mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Người tiêu dùng lạc trong “ma trận” sữa
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả quy mô lớn của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Đây là đường dây làm giả gần 600 loại sữa bột công thức mang nhãn hiệu nổi tiếng và nhóm đối tượng đã thu lợi bất chính khoảng 500 tỷ đồng. Phân tích mẫu cho thấy sữa giả thiếu hoàn toàn các thành phần công bố, chứa phụ gia không rõ nguồn gốc và nhiều mẫu có chất lượng dưới 70% chỉ tiêu dinh dưỡng, đủ điều kiện xác định là hàng giả. Các sản phẩm được làm giả là nhóm sữa dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai - những người đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương về sức khỏe.

Lực lượng chức năng kiểm tra kinh doanh sữa bột trên thị trường. Ảnh: Cục QLTT Thái Bình
Vụ việc đã gây ra những bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, trên thực tế, từ lâu, người tiêu dùng Việt Nam đã bị lạc vào “ma trận” thật giả lẫn lộn của các loại thực phẩm chức năng nói chung và sản phẩm sữa nói riêng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2024, các đơn vị trong ngành đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP); xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 40,9% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt hơn 33,53 tỷ đồng.
Về phía Bộ Công an cũng phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về ATTP (tăng 1.854 vụ so với năm 2023) với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về ATTP (tăng 1.917 so với năm 2023), trong đó 8.490 cá nhân và 488 tổ chức. Các cấp cơ quan điều tra đã khởi tố 62 vụ, 97 bị can (tăng 29 vụ, 63 bị can so với năm 2023). Về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có 43 vụ; tội vi phạm quy định về ATTP 9 vụ; các tội khác liên quan đến thực phẩm 10 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 8.374 vụ (tăng 3.864 vụ so với năm 2023) với 7.949 cá nhân, 517 tổ chức; tổng tiền phạt vi phạm hành chính hơn 36,1 tỷ đồng (tăng hơn 5 tỷ đồng so với năm 2023).
Trong khi đó, tính riêng với sữa giả, một vài vụ việc có thể liệt kê nhanh để minh chứng cho tính phức tạp của “ma trận” này. Tháng 8/2024, một cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh đã ra quyết định bắt Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan Nguyễn Trung Vương về tội sản xuất sữa giả với quy mô lớn. Trước đó, vào tháng 1/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện một xưởng sản xuất sữa giả quy mô lớn liên tỉnh Bình Dương - TPHCM. Các đối tượng đã sản xuất sữa bột giả mang nhãn hiệu nổi tiếng như Ensure, Alpha Lipid, Glucerna và bán chủ yếu qua các kênh trực tuyến.
Sữa giả âm thầm gây hại
Mặc dù vậy, có thể khẳng định, vụ việc sản xuất sữa bột giả ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nêu trên có quy mô to lớn và mức độ nghiêm trọng nhất. PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, những người làm công tác dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực sự sửng sốt khi tiếp nhận thông tin về vụ việc này. Đây là vấn đề rất quan ngại trong nhiều năm nay, và khi có sự vào cuộc chính thức của pháp luật thì rõ ràng tính chất và mức độ nghiêm trọng đã được khẳng định.
Không chỉ trẻ em, phụ nữ mang thai, những sản phẩm sữa được làm giả còn bao gồm nhóm sữa dành cho người tiểu đường, suy thận – những bệnh nhân này lựa chọn sai sữa hay sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng không những không làm thuyên giảm bệnh mà có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, xuất hiện biến chứng bệnh sớm hơn.

Đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn với gần 600 chủng loại vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá. Ảnh: VTV
ThS.BS Phạm Thị Thanh Huyền – Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Đối với người mắc bệnh đái tháo đường sử dụng sữa không đảm bảo chất lượng, ví dụ như chứa hàm lượng đường cao có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng, gây mất kiểm soát đường huyết, làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh. Với người suy thận, hậu quả lâu dài sẽ làm tiến triển bệnh nặng hơn, khiến thận không thể hồi phục dẫn tới người bệnh phải tiến hành chạy thận nhân tạo và xuất hiện thêm biến chứng. Vấn đề quan trọng nữa là khi phát hiện sử dụng sữa giả, người bệnh suy giảm niềm tin, bệnh nhân thêm bất an, lo lắng cho sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý, tinh thần rất nhiều trong quá trình điều trị.
Liên quan tới vụ việc nói trên, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương và Chi cục ATTP tại nhiều tỉnh, thành, yêu cầu rà soát toàn diện các hoạt động công bố sản phẩm, điều kiện ATTP cũng như các hồ sơ thanh tra, kiểm tra liên quan đến các công ty trong danh sách nghi vấn. Đồng thời, gửi văn bản đến Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra thông tin quảng cáo trên các mạng xã hội, xử lý kịp thời hành vi vi phạm của người nổi tiếng.
Quản lý an toàn thực phẩm trên giấy tờ?
Người tiêu dùng đang đặt dấu hỏi lớn trong công tác quản lý thị trường và giám sát ATTP sau vụ việc sữa giả nêu trên. Bởi trong vòng 4 năm qua, hàng trăm nghìn sản phẩm giả, chất lượng kém đã trót lọt đến tay người tiêu dùng. Cục ATTP cho biết, việc quản lý ATTP hiện được quy định tại Luật ATTP, với sự quản lý của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương và UBND các cấp.
Theo Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, đa số các thực phẩm đều được đơn vị sản xuất tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và sản phẩm đã được công bố là mới về công dụng, thành phần hoặc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Đối chiếu quy định, UBND cấp tỉnh là đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Đối với sữa chế biến thường, hiện UBND cấp tỉnh giao cho Sở Công thương quản lý; còn sữa bổ sung giao cho Sở Y tế. Với việc đã phân cấp về cho địa phương, Cục ATTP hiện chỉ tiếp nhận công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Liên quan tới công tác hậu kiểm, cơ quan này khẳng định, công tác hậu kiểm các sản phẩm sau công bố hết sức quan trọng. Cục ATTP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền; phối hợp trong các hoạt động chuyên môn, cung cấp hồ sơ giấy tờ liên quan để cơ quan công an làm căn cứ khởi tố vụ án, đặc biệt trong các vụ án sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm. Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với các nhóm hành vi hay vi phạm; Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự đối với các hành vi liên quan đến ATTP. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không đảm bảo an toàn.
Bộ Công thương chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm
Liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, căn cứ theo Nghị định số 15 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành. Theo đó, Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Bên cạnh đó, Bộ Công thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Bộ Công thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
H.Hương (ghi)
Bệnh viện thu hồi sữa của công ty trong đường dây làm hàng giả
Ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về việc sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus cho người bệnh tại bệnh viện này. Theo đó, bệnh viện dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để trả lại đơn vị cung ứng, sau nghi vấn liên quan chất lượng.
Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ngay sau khi trên các phương tiện thông tin truyền thông đăng tải thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả và cảnh báo có nhiều sản phẩm cho người bệnh, bệnh viện đã rà soát các sản phẩm sữa cho người bệnh.
Theo đó, bệnh viện đã phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty trên sản xuất. “Dù chưa có thông tin của cơ quan chức năng về sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus là sữa giả hay không nhưng để đảm bảo quyền lợi người bệnh, trong ngày 12/4, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn dừng tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus và thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng. Đồng thời, liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng. Đồng thời đồng hành cùng người bệnh yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh”- đại diện bệnh viện cho biết.
M.K
Người dân nên bình tĩnh, không “vơ đũa cả nắm”
Liên quan đến việc gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, bao gồm cả các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai vừa được cơ quan công an phát hiện, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, khi người tiêu dùng sử dụng những loại sữa giả này, có 2 khả năng có thể đặt ra. Đầu tiên, nếu người dân mới chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, với điều kiện là sản phẩm đó chỉ thiếu hàm lượng dinh dưỡng mà không có những vấn đề khác về an toàn thực phẩm thì có thể chưa gây tác động rõ rệt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng nếu sử dụng kéo dài, đặc biệt với trẻ em và phụ nữ mang thai, thì hậu quả có thể là suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao, thiếu vi chất. Nguy cơ lớn hơn là an toàn thực phẩm – bao gồm nhiễm vi sinh, độc tố, hay các chất cấm – tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính thức về các yếu tố này.
PGS.TS Trương Tuyết Mai.
Để tránh mua phải sữa giả, người dân nên chọn mua sữa tại các địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn chứng từ đầy đủ. Cần kiểm tra nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng. Khi pha sữa, nên chú ý đến màu sắc, mùi vị, độ hòa tan. Sữa thật thường có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ đặc trưng, tan đều, không lắng cặn.
Hiện, trên thị trường vẫn có nhiều sản phẩm uy tín, đạt chuẩn. Người dân cần bình tĩnh, không vơ đũa cả nắm. Tin tưởng vào hệ thống quản lý hiện tại và lựa chọn sản phẩm từ những công ty có thương hiệu, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.
Sữa có vai trò trong việc bổ sung dinh dưỡng, chủ yếu là canxi và protein. Tuy nhiên, nếu muốn khẳng định tác dụng đặc thù như chữa bệnh, tăng chiều cao nhanh chóng thì cần có chứng cứ khoa học rõ ràng. Không thể đưa ra công dụng khi chưa được chứng minh. Đồng thời, trẻ em trên 6 tháng tuổi nên ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo đủ vi chất. Sữa là một nguồn cung cấp canxi và protein, nhưng hoàn toàn có thể bổ sung từ các nguồn khác như trứng, đậu nành, các loại hạt. Sữa hạt, sữa tươi uy tín vẫn là lựa chọn tốt nếu được kiểm soát chặt chẽ.
Chúng tôi kỳ vọng vào một hệ thống thực phẩm bền vững – từ sản xuất xanh, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến tiêu dùng đều phải đảm bảo an toàn và dinh dưỡng. Các doanh nghiệp cần có trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm của chính mình, tránh gian lận và góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Là người mẹ, người làm trong ngành dinh dưỡng, tôi mong muốn mọi sản phẩm cung cấp cho người dân đều an toàn và đúng như công bố. Những vi phạm cần được xử lý nghiêm minh theo pháp luật để lấy lại niềm tin của người dân, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng” - bà Mai nói.
Cần thực hiện công tác quản lý một cách thống nhất, hiệu quả
Theo luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal: Thị trường sữa ở Việt Nam từ lâu đã là một “ma trận” với đủ loại thương hiệu, thật giả lẫn lộn, từ hàng nội địa đến hàng xách tay, hàng nhập khẩu chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Điều này không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi, đặc biệt trong bối cảnh pháp luật tuy có nhưng thực thi còn lỏng lẻo như hiện nay.
Luật sư Lại Ngọc Thanh.
Dưới góc nhìn pháp lý và quản lý thị trường, có thể đưa ra một số kiến nghị như sau: Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng và bắt buộc: Mỗi sản phẩm sữa (đặc biệt là sữa bột cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh) cần có mã QR truy xuất nguồn gốc duy nhất, liên kết với cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế hoặc Bộ Công thương. Người tiêu dùng có thể quét mã qua ứng dụng chính thống để biết rõ: nơi sản xuất, ngày nhập khẩu, đơn vị phân phối, hạn sử dụng... Doanh nghiệp không có mã truy xuất hoặc mã không hợp lệ sẽ không được lưu hành sản phẩm.
Kiểm soát chặt kênh phân phối – đặc biệt là hàng xách tay: Tăng cường kiểm tra hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, cửa hàng nhỏ lẻ, nơi thường có hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Cần siết lại chính sách xách tay: Nếu kinh doanh theo dạng hàng hóa thương mại, phải đăng ký và kiểm định như hàng nhập khẩu chính ngạch.
Tăng chế tài xử phạt và công khai vi phạm: Nâng mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả để tạo tính răn đe. Ngoài ra cũng cần phải xử lý những vụ việc có tính chất tội phạm đúng người, đúng tội, kịp thời, nhanh gọn – để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Bắt buộc công khai tên doanh nghiệp/cá nhân vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Bộ Công thương.
Phân cấp rõ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý: Cần có sự phối hợp rõ ràng và trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng khác. Từ góc độ của người tiêu dùng, người tiêu dùng đều có quyền đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng phải thực hiện công tác quản lý một cách thống nhất, hiệu quả. Còn việc phân định trách nhiệm quản lý như thế nào, chức năng và phối hợp ra sao, thì đấy chính là trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Tăng cường vai trò của người tiêu dùng, tổ chức xã hội và cơ quan báo chí chính thống: Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về phân biệt sữa thật – giả, đọc hiểu nhãn mác, nhận biết bao bì bất thường…; Khuyến khích người dân tố giác sản phẩm nghi ngờ qua các kênh nóng (hotline, app di động…).
Nếu những giải pháp nêu trên được thực thi đồng bộ, tôi nghĩ thị trường sữa sẽ dần minh bạch và người tiêu dùng sẽ không còn phải lo lắng khi lựa chọn sản phẩm thiết yếu này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sua-gia-nguy-hiem-that-10303931.html