Sửa Hiến pháp cần đồng bộ với điều chỉnh các luật liên quan

Việc sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới cần đồng bộ với điều chỉnh các luật liên quan.

Cô Phạm Thị Quỳnh Trang, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương)

Cô Phạm Thị Quỳnh Trang, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương)

Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và năm 2013. Các bản Hiến pháp nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Đây là bước cải cách mang tính đột phá hướng tới một nền hành chính hiện đại, gần dân. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này rất quan trọng trong cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Một bản Hiến pháp phù hợp với thực tiễn xã hội sẽ là nền tảng để tiếp tục điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp.

Tại khoản 1 điều 110 Hiến pháp 2013 quy định: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương ứng; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường”.

Do thay đổi về sắp xếp bộ máy hành chính, sắp tới các tỉnh được sáp nhập, bỏ cấp huyện, sáp nhập nhiều xã, phường dưới sự quản lý của cấp tỉnh nên cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới.

Tới đây, khi sắp xếp bộ máy hành chính tại địa phương, bộ máy chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động, thẩm quyền của cấp tỉnh và cấp xã sẽ lớn hơn, cùng với đó trách nhiệm sẽ nặng nề hơn. Vì vậy, tôi rất tán thành với dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung nhiều vào nội dung chương IX - Chính quyền địa phương. Điều này đáp ứng được yêu cầu sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bãi bỏ cấp huyện theo tinh thần các kết luận của Trung ương.

Bên cạnh đó, việc sửa Hiến pháp phải đồng bộ với sửa đổi các luật liên quan. Chỉ có như thế mới bảo đảm được sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức bộ máy và thiết lập được cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả, chặt chẽ và nghiêm minh. Cùng với đó, khi bỏ cấp huyện yêu cầu phải tái cấu trúc lại hệ thống quản lý. Hiến pháp, pháp luật cần có quy định và có sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa cấp tỉnh và cấp xã để tránh chồng chéo hoặc quá tải trong thực hiện các nhiệm vụ.

PHẠM THỊ QUỲNH TRANG, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/sua-hien-phap-can-dong-bo-voi-dieu-chinh-cac-luat-lien-quan-411400.html