'Sửa lỗi' cho sản phẩm du lịch địa phương

Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có những làng nghề truyền thống, làng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống rải rác tại các địa phương trong tỉnh cùng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên... tạo nên những tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng với những bản sắc riêng về kinh tế, văn hóa, lịch sử…

Khách du lịch tham quan vườn trái cây tại TP.Long Khánh. Ảnh: N.LIÊN

Khách du lịch tham quan vườn trái cây tại TP.Long Khánh. Ảnh: N.LIÊN

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch cộng đồng tại Đồng Nai vẫn chưa khai thác hết những giá trị, sản phẩm du lịch còn phát triển theo hướng tự phát, chưa có tính liên kết bền vững. Để du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn của Đồng Nai trở nên chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, ngành Du lịch của tỉnh đang tập trung “sửa lỗi” cho từng sản phẩm để tạo nên những giá trị, bản sắc riêng ở từng địa phương trong tỉnh.

* Làm du lịch từ… cây nhà lá vườn

Gần đây, du lịch Đồng Nai nổi lên với những sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng vườn, rừng, hồ. Mỗi sản phẩm du lịch đều nêu bật được những thế mạnh gắn với đặc thù địa phương như: TP.Long Khánh, H.Xuân Lộc được biết đến với các vườn cây ăn trái bạt ngàn; các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú thu hút du khách bằng những sản phẩm du lịch cắm trại ven hồ, khám phá rừng, làng nghề… Thế nhưng, du lịch Đồng Nai mới chỉ phát triển ở mức… cây nhà lá vườn, theo thời vụ. Đồng Nai vẫn đang thiếu vắng những sản phẩm du lịch có thể hoạt động quanh năm và níu chân du khách lâu hơn với những dịch vụ đi kèm để tăng mức chi tiêu của khách tham quan khi đến Đồng Nai.

TS Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Viện Nghiên cứu PTKT-DL, TP.HCM) cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu PTKT-DL tại thị trường du lịch TP.Long Khánh cho thấy, mặc dù Long Khánh được đánh giá là thủ phủ trái cây của miền Nam, nhưng du khách đến TP.Long Khánh chủ yếu mới chỉ đến và về trong ngày, tập trung chủ yếu vào mùa cao điểm trái cây chín rộ (tháng 4 đến tháng 7 hàng năm), các tháng còn lại lượng khách đến Long Khánh rất ít. Chi tiêu trung bình mỗi lượt khách đến Long Khánh chỉ trên 260 ngàn đồng/lượt, thời gian lưu lại cao nhất chỉ 6 tiếng. TP.Long Khánh tuy có tài nguyên phát triển du lịch ở mức cao nhưng dịch vụ cung ứng, truyền thông và nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn ở mức thấp, các điểm đến vẫn chưa có sự liên kết, tạo được bản sắc riêng của Long Khánh. Do đó, TS Minh cho rằng Long Khánh cần có giải pháp để xây dựng sản phẩm du lịch một cách bài bản, có bản sắc để hấp dẫn du khách, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Long Khánh.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch của Đồng Nai, ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) cho hay, Đồng Nai có tiềm lực kinh tế mạnh. Những năm gần đây, Đồng Nai chú trọng việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch, do đó, để ngành Du lịch của tỉnh bứt phá, Đồng Nai cần có những phương án cụ thể cho từng vùng để khai thác có bài bản tiềm năng du lịch. Đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh, cần có sự sắp xếp lại những cảnh quan tại các điểm đến và có những nhà tư vấn chuyên nghiệp. Theo ông Thịnh, hiện nay năng lực phục vụ du lịch của nông dân còn hạn chế, chưa tiếp được số lượng khách lớn, tính bền vững chưa cao. Do đó, Đồng Nai cần có chiến lược phát triển du lịch bảo đảm sự bền vững, tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc theo thế mạnh của từng địa phương.

* Tăng giá trị cho từng sản phẩm

Chia sẻ về những nhận định về du lịch Đồng Nai trong buổi tọa đàm phát triển du lịch Đồng Nai năm 2023 do Sở VH-TTDL tổ chức, ông Phan Đông Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, qua buổi khảo sát thực tế một số điểm du lịch sinh thái vườn, văn hóa, tâm linh trên địa bàn tỉnh cho thấy, Đồng Nai có hệ thống giao thông nông thôn thông thoáng, khang trang, cùng với sự ân cần tiếp đón của các chủ vườn đối với khách du lịch đã tạo cho du khách những trải nghiệm khó quên. Tuy nhiên, cũng là địa phương nằm trong vùng Đông Nam bộ nên du lịch Đồng Nai có những điểm tương đồng với một số tỉnh khác như: Tây Ninh, Bình Dương… đều có các vườn trái cây nhiệt đới và theo mùa. Tuy nhiên, xét về lợi thế vị trí địa lý và thổ nhưỡng, Đồng Nai nằm ở cửa ngõ kết nối các vùng, trong tương lai có sân bay quốc tế Long Thành cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt có quy mô kết nối cấp vùng. Đồng Nai có diện tích trái cây lớn, vườn cây trái trải dài, xứng danh thủ phủ trái cây. Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra những tồn tại của du lịch Đồng Nai còn thiếu chuyên nghiệp, mang tính tự phát, cần sự liên kết sâu hơn, tạo sự phát triển bền vững cho ngành du lịch.

Khách du lịch tham quan vườn trái cây tại TP.Long Khánh. Ảnh: N.LIÊN

Khách du lịch tham quan vườn trái cây tại TP.Long Khánh. Ảnh: N.LIÊN

Đóng góp cho sản phẩm du lịch cộng đồng của Đồng Nai, bà Dương Thị Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thế giới hoang dã, đồng thời là chủ Khu nghỉ dưỡng Cát Tiên Jungle Lodge (H.Tân Phú) chia sẻ, du lịch sinh thái vườn là một trong những tiêu chí phát triển du lịch bền vững của ngành du lịch. Phải làm sao để khi khách đến vườn phải cảm nhận được những đặc thù tại vườn. Nông dân cần được đào tạo nhiều hơn nữa kỹ năng đón và phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, cần chú ý đến một số chi tiết như, trang bị giỏ xách hoặc rổ đựng trái cây, nón lá… để phục vụ, đồng thời tăng thêm giá trị cho sản phẩm du lịch địa phương. Bên cạnh sự nỗ lực của người dân, bà Phương cho rằng cần có sự hỗ trợ từ các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy cho lĩnh vực du lịch vườn, du lịch cộng đồng sớm phát triển và ngày càng được nhiều người biết đến.

Là nông dân làm du lịch tại vùng thủ phủ trái cây xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, ông Lâm Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc cho biết, Bình Lộc tuy nổi tiếng về du lịch sinh thái vườn nhưng cũng mới chỉ phát triển du lịch được 4 năm nên còn nhiều hạn chế, khó khăn. Các vườn trái cây tại đây chủ yếu tập trung đón khách khoảng 3-4 tháng khi mùa trái cây chín rộ, ngoài những tháng vào mùa, du lịch không thu hút được khách do không có thêm sản phẩm du lịch nào. Ông Hùng chia sẻ: “Nông dân vẫn đang tìm hướng khai thác du lịch quanh năm nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Chúng tôi mong muốn được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các chuyên gia du lịch hàng đầu Việt Nam quan tâm, tư vấn để Bình Lộc phát triển trái cây vững bền, mang lại giá trị cho sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương”.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/sua-loi-cho-san-pham-du-lich-dia-phuong-3170391/