Sửa Luật Công đoàn: Cần hành lang pháp lý cao hơn cho tài chính công đoàn
Rất cần phải có hành lang pháp lý cao hơn cho tài chính công đoàn để người lao động và doanh nghiệp thấy thuyết phục hơn khi đóng phí.
Cần phải có hành lang pháp lý cao hơn cho tài chính công đoàn và nếu vẫn giữ khoản kinh phí 2% quỹ tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), thì công đoàn cũng phải đặt ra mục tiêu cao hơn trong bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Lan trao đổi xung quanh việc sửa đổi Luật Công đoàn, sau những lình xình về tài chính công đoàn làm nóng dư luận những ngày gần đây.
Bà Đỗ Thị Lan, Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Là Ủy viên thường trực của cơ quan thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới, chắc hẳn, bà rất quan tâm tới băn khoăn của doanh nghiệp và người lao động sau khi kết quả kiểm toán cho thấy, tài chính công đoàn hiện rất cần được minh bạch, song cơ quan trình Dự án Luật vẫn khẳng định, việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương là hết sức cần thiết?
Nguồn thu 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động là lượng kinh phí rất lớn.
Nguồn chi của công đoàn 4 cấp từ cơ sở đến Tổng liên đoàn, tức là toàn bộ cán bộ của toàn hệ thống công đoàn, từ tiền lương, tiền đào tạo, tập huấn, tư vấn giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động cho đến chi thường xuyên của các cơ quan (gồm cả trụ sở), hội nghị - hội thảo, văn hóa - thể thao... đều nằm trong đó.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn kinh phí này còn có vấn đề, một số năm gần đây, kết dư toàn hệ thống là rất lớn. Việc sử dụng kết dư, như kiểm toán đã chỉ ra (hiện kết dư gần 29.000 tỷ đồng, tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chỉ chiếm 46%) cũng chưa thực sự hiệu quả.
Theo hồ sơ Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, có những thời điểm, công đoàn cũng muốn sử dụng nguồn thu này vào nguồn phúc lợi cho người lao động, ví dụ xây siêu thị giá rẻ ở khu công nghiệp, khu kinh tế, nhưng hiện tại không có cơ chế để thực hiện. Nếu dùng tiền đó xây dựng siêu thị, thì cơ chế để siêu thị đó hoạt động như thế nào, sau này ai quản... cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo kết quả kiểm toán, quy định của Luật Công đoàn hiện hành tạo sự chủ động cho Tổng liên đoàn quy định hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính công đoàn, quản lý tài sản, mà không phải lấy ý kiến hoặc có thỏa thuận với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi ban hành, dẫn đến một số văn bản ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật và dẫn đến những tùy nghi trong tài chính công đoàn. Chẳng hạn, có đơn vị quyết toán mức chi cho cán bộ công đoàn lên tới 909 triệu đồng/biên chế, gấp mấy trăm lần so với định mức chi hành chính của biên chế nhà nước ở cơ quan khác. Vậy lần sửa luật này có nên quy định ngay trong Luật nguyên tắc phân chia các nội dung chi theo tỷ lệ % trên dự toán thu, đặc biệt là tỷ lệ tối đa chi cho bộ máy quản lý công đoàn các cấp và tỷ lệ tối thiểu chi trực tiếp cho người lao động không, thưa bà?
Tôi thấy, rất cần phải có hành lang pháp lý cao hơn cho tài chính công đoàn để người lao động và doanh nghiệp thấy thuyết phục hơn khi đóng phí.
Việc thu - chi tài chính công đoàn không nên chỉ quy định tại điều lệ, vì điều lệ là để cán bộ hệ thống công đoàn thực hiện, còn các bên liên quan thì phải được thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật, mà điều lệ thì không phải văn bản quy phạm pháp luật.
Lần sửa luật này, nếu vẫn giữ quy định về mức đóng kinh phí công đoàn 2% từ quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động, thì công đoàn phải giải trình được: sau đó, có đảm bảo phát triển đoàn viên sâu rộng hơn, thành lập công đoàn cơ sở phủ kín các doanh nghiệp hay không, khi mà hiện tại, tỷ lệ người lao động tham gia hoạt động công đoàn và tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức được công đoàn cơ sở còn ít.
Giữ nguồn kinh phí này, thì công đoàn phải đặt ra cho mình mục tiêu xây dựng đủ cơ chế để đảm bảo quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển, để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Mặt khác, cũng cần phải giải trình, việc kết dư lớn như Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra do nguyên nhân gì, sử dụng như thế nào, nếu không hợp lý, thì lần sửa luật này phải quy định cho rõ.
Nếu giữ lại nguyên nguồn thu như hiện nay, công đoàn sẽ chi thêm khoản nào để chăm lo, bảo vệ cho người lao động, cũng cần phải làm rõ. Vì hiện tại, còn nhiều hoạt động bảo vệ người lao động đang bị hổng, luật chưa quy định. Chẳng hạn, chưa có cơ chế bảo vệ đối với nhóm lao động phi chính thức, nhất là tại các nghiệp đoàn, như nghiệp đoàn nghề cá, nghiệp đoàn xe ôm... Lần sửa đổi này cần quy định cụ thể công đoàn nào là công đoàn sẽ bảo vệ họ.
Theo bà, cần có những quy định gì để đảm bảo quyền được bảo vệ của người lao động tại những nơi chưa có tổ chức công đoàn?
Tới đây, tổ chức của người lao động (khác công đoàn) sẽ được thành lập theo Bộ luật Lao động, ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Có thể toàn bộ người lao động hoặc chỉ một phần sẽ vào tổ chức khác công đoàn, vậy những lao động còn lại do ai bảo vệ? Nếu quy định công đoàn cấp trên sẽ bảo vệ họ, thì cũng cần phải làm rõ, đó là công đoàn huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở, hay công đoàn khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đang hoạt động...
Phải báo cáo Quốc hội hàng năm
Theo Kiểm toán Nhà nước, sau khi sửa đổi, Luật Công đoàn cần quy định, hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn để đảm bảo công khai, minh bạch. Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc ban hành chính sách, chế độ thu - chi tài chính công đoàn, thẩm định quyết toán để đảm bảo phát huy hiệu quả các nguồn lực nhà nước.