Sửa Luật Đất đai: Chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng và xem xét thông qua kịp thời
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm chất lượng tốt nhất, song cũng cần được xem xét, thông qua kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội; cho rằng, dự thảo luật đã bảo đảm 3 nội hàm: Công tác quản lý của nhà nước, quyền lợi của nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp.
Tuy vậy, đây là dự án luật rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác. Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại hội trường ở Kỳ họp thứ tư, Kỳ họp thứ năm. Dự thảo luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi cử tri và nhân dân trên cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này. Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ, các đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến nếu đủ điều kiện và bảo đảm chất lượng, luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân. Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích của người dân.
"Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.
Phát biểu tại hội trường, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ sự thống nhất cao với bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Ban soạn thảo đã lấy ý kiến cử tri, nhân dân qua các cuộc họp, hội thảo, từ cơ quan địa phương đến Trung ương, các cơ quan truyền thông cũng như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiều phiên họp để trình luật ra Quốc hội.... Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tin rằng, với sự thống nhất ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Chính, dự thảo luật lần này sẽ nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội khi được thông qua.
Qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại kỳ họp lần này, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP Đà Nẵng) cho biết, nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như đã nhắc đến trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.
"Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước", đại biểu chỉ rõ và đề nghị, cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của Luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cũng đánh giá, qua dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu tối đa, có giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhất là nêu rõ nhiều vấn đề và cũng giải trình được nhiều vấn đề đã nêu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, đưa ra trình tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh, với tính chất của Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nội dung có liên quan chặt chẽ với nhiều luật khác trình thông qua tại Kỳ họp này như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng dự thảo luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm chất lượng tốt nhất, song cũng cần được xem xét, thông qua kịp thời để bảo đảm hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực liên quan, nhất là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
ANH PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.