Sửa Luật đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai

Theo Hội Luật gia Việt Nam, dự án Luật Đất đai rất quan trọng, nếu làm tốt và tổ chức thực hiện tốt sẽ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới.

Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Trọng Tùng

Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Trọng Tùng

Tại Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 28/2 do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, các cấp, các ngành và toàn dân cũng đang kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Đất đai lần này để giúp cho việc triển khai Luật trong thời gian tới có kết quả tốt hơn.

TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Ảnh: Trọng Tùng

TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Ảnh: Trọng Tùng

Dự thảo Luật Đất đai đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đồng thời Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 170 về ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Theo TS. Nguyễn Văn Quyền, trong hơn hai tháng qua, việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai diễn ra rất sôi nổi trên cả nước. Hội Luật gia Việt Nam đã có kế hoạch triển khai lấy ý kiến toàn giới luật gia đối với dự thảo Luật Đất đai.

Trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh quan điểm chung là cần phải nghiêm túc nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đặc biệt, phải khắc phục được những tồn tại hiện nay của Luật Đất đai 2013.

“Cần phải quán triệt tinh thần của Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả, quản lý và sử dụng đất đai tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là định hướng, chủ trương rất lớn”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo ông Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV. Quốc hội dành tới 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng thảo luận, cho ý kiến về Luật này. Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã lần đầu thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Sau khi hoàn thiện Dự thảo, Quốc hội cũng tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân hoàn thiện dự án Luật.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn. Ảnh: Trọng Tùng

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn. Ảnh: Trọng Tùng

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam nêu 10 nội dung mới của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến gồm:

Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; điều tiết chênh lệch địa tô. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.

Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Có các quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.

Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV (10/2022) và theo quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội.

Sau khi cho ý kiến lần đầu, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, thảo luận lần thứ 3 và xem xét qua kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/sua-luat-dat-dai-de-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-va-su-dung-dat-dai-post18333.html