Sửa Luật Đất đai để thúc đẩy nông nghiệp đại điền
Thay vì diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp như hiện hành, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nâng lên không quá 15 lần.
“Điểm sáng” trong tích tụ đất trên “quê hương 5 tấn”
Thái Bình được mệnh danh là "quê hương 5 tấn" bởi năm 1965 tỉnh đạt kỷ lục miền Bắc với năng suất lúa thu hoạch 5 tấn/ha. Tuy nhiên, đến nay con số đó đã tăng lên gần gấp 3 lần. Trong lần về thăm Thái Bình hồi tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: "Lúa gạo Thái Bình không chỉ thấm đượm giá trị đậm đà bởi sông Kinh Thầy, sông Trà Lý, sông Hóa…, mà ngon thơm hơn nhờ sự liên kết với nhau giữa các hộ sản xuất trên những cánh đồng hợp tác, trong các Câu lạc bộ đại điền".
Thông tin tại Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền” do Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) chủ trì tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, cho biết hiện năng suất lúa bình quân hàng năm của Thái Bình đạt 13 tấn/ha. Tuy nhiên, bình quân mỗi hộ có 4 khẩu, tương đương 0,2ha. Sản xuất lúa gạo tuy có lãi nhưng thu nhập từ lúa gạo không đảm bảo đời sống cho người nông dân.
Từ năm 2014, Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã hình thành tư tưởng phát triển quy mô lớn, mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác.
Trước xu thế này, tỉnh Thái Bình đã ban hành chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp. Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan hỗ trợ máy gặt, máy cấy cho nhiều địa phương trong tỉnh. Các hộ tích tụ ruộng đất cũng nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đặc biệt, trong năm 2021, Thái Bình đã ban hành Nghị quyết 40 và Nghị quyết 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021-2025.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình, số hộ có diện tích từ 2ha trở lên là hơn 1.700 hộ, trong đó có những hộ có diện tích lớn nhất gần 70ha. Đặc biệt, một tổ chức đang hình thành là Hội đại điền, đã quy tụ được khoảng gần 200 thành viên ở nhiều nơi trên toàn tỉnh, một số hội đại diện đã gom ruộng vào và thành lập hợp tác xã (HTX).
"Vừa qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã thẩm định một số dự án liên kết với mức hỗ trợ tối đa đạt 6,7 tỷ đồng/liên kết. Mặc dù chính sách mới được triển khai trong năm 2022 nhưng đã có một số DN tham gia, gợi mở cơ hội cho các hộ tích tụ ruộng đất và DN cùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm" - bà Nga thông tin.
Tháo “điểm nghẽn” trong Luật Đất đai
Thái Bình hiện được đánh giá là “điểm sáng” trong tích tụ đất đai nhờ có những cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời. Tuy nhiên, thực tiễn trong việc phát triển đại điền ở Thái Bình vẫn còn gặp nhiều trở ngại, đơn lẻ, mà một trong những “rào cản” đó chính là những quy định trong Luật Đất đai hiện hành, khi nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng được giao tối đa 2ha đất trồng lúa/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long là 3ha, đồng thời được chuyển nhượng 10 lần giới hạn giao đất.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 129, Điều 130 Luật Đất đai, diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình có hộ khẩu nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định này đang làm khó cho các hộ có nhu cầu nhận chuyển nhượng với diện tích lớn hơn 20ha (đối với Đồng bằng sông Hồng) và hơn 30ha (đối với Đồng bằng sông Cửu Long).
Theo bà Lê Thị Lệ Thu, Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới và định hướng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung trong nông nghiệp. Theo đó, các hạn chế về hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang dần được tháo gỡ.
Cụ thể, đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, dự thảo hiện nay quy định tăng lên 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã nêu lên vị trí, vai trò của Bộ NN&PTNT trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. “Đây là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi,... với diện tích đất nông nghiệp 27,90 triệu ha, chiếm 84,46% diện tích đất tự nhiên cả nước…” - bà Thu thông tin.
Agribank hỗ trợ nông nghiệp đại điền
Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), cho biết Agribank là một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước phục vụ cho khoảng 30.000 DN, hơn 3,6 triệu hộ nông dân và HTX. “Trong chính sách hỗ trợ cho vay sản xuất đại điền, Agribank có thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Bà con nông dân có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà con sản xuất đại điền có thể yên tâm rằng Agribank luôn tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp” - đại diện Agribank khẳng định.