Sửa Luật Đấu giá tài sản: Băn khoăn việc tăng đặt cọc đấu giá đất lên 10%
Có ý kiến cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt cọc lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Ngược lại, có ý kiến lo ngại sẽ dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh.
Chiều 8/11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh một số nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật này.
Cụ thể, về đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định như sau: Bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành…
Về trình tự, thủ tục đấu giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định như sau: Sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá; bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; quy định về việc dừng, hủy bỏ tổ chức đấu giá…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về một số nội dung cụ thể, có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về tính khả thi của quy định người có tài sản đấu giá phải có nghĩa vụ thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá; vì việc xét duyệt điều kiện này phải thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản là cơ quan có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hồ sơ đánh giá năng lực, điểm tích lũy kinh nghiệm của người tham gia đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lựa chọn được người tham gia đấu giá tài sản có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm.
Về quy định đặt trước (đặt cọc) và xử lý tiền đặt trước, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể, có ý kiến cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá... Cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.
Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì hủy kết quả đấu giá. Đồng thời, nghiên cứu quy định chế tài xử lý vi phạm theo hướng không cho tham gia đấu giá trong một thời hạn bên cạnh việc hủy kết quả trúng đấu giá, quy định rõ trách nhiệm cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.