Sửa Luật Dầu khí gỡ khó nhiều dự án thu thêm hàng tỉ USD
Với ưu đãi mới, Luật Dầu khí sửa đổi cho phép dự án sớm đưa vào khai thác, tăng thêm trữ lượng 70-80 triệu thùng dầu, mang về doanh thu khoảng 1 - 1,5 tỉ USD.
Đó là kỳ vọng của nhiều đại biểu trong ngành dầu khí được nêu ra tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) mới đây.
Nêu hàng loạt khó khăn trong hoạt động khai thác dầu khí, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cho biết, từ 2016 - 2021, quy mô đầu tư của ngành chỉ còn 15% so với 5 năm trước đó.
Cụ thể, trong gần 6 năm qua, tổng công ty chỉ ký được 2 dự án, trong khí giai đoạn trước đó có đến 27 dự án... Trong khi đây là ngành đặc thù, rủi ro cao, tỉ lệ thành công chỉ 15%, lại thiếu cơ chế xử lý rủi ro.
Từ đó ông cho rằng, Luật Dầu khí sửa đổi lần này cần cải tiến thủ tục, có cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo hiệu quả kinh tế.
“Với ưu đãi mới, quy định mới cho phép dự án sớm đưa vào phát triển, khai thác. Tất nhiên vẫn có rủi ro nhưng có thể tăng thêm trữ lượng khai thác khoảng 70-80 triệu thùng, tạo doanh thu khoảng 1 - 1,5 tỉ USD”, ông Trung kỳ vọng.
Liên quan các dự án đang sắp kết thúc bước sang giai đoạn tận thu, ông Trung kiến nghị dự luật cần quy định cho phép Thủ tướng quyết định mức miễn giảm thuế ưu đãi cao hơn so với dự thảo hiện nay cho các lô, mỏ cần áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt để có thể hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu, tránh lãng phí tài nguyên.
Đồng thời nên đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, cho phép áp dụng thêm các hình thức khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi cho cả Chính phủ và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các nhà thầu của hợp đồng dầu khí hiện có đầu tư bổ sung để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu; bổ sung hình thức gia hạn hợp đồng dầu khí cũ, bên cạnh việc ký hợp đồng mới như quy định tại dự thảo…
'Chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa xinh đẹp đang ngủ'
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, ông Trung nêu khó khăn về việc nhiều chuyên gia giỏi đã chuyển ra ngoài vì chế độ, điều kiện làm việc tốt hơn.
"DNNN có những việc khó vượt qua, có những người tập đoàn thực sự muốn giữ họ lại nhưng không giữ được. Còn có những người thực sự không muốn giữ nhưng họ không đi và chúng tôi cũng không có cách nào cho người ta đi”, Phó tổng giám đốc PVEP tâm tư.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Trần Hồ Bắc cho rằng cần có tỷ trọng nội địa cụ thể trong luật để đảm bảo tính chất đặc thù của ngành dầu khí, đặc biệt như yếu tố bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
“Cách đây khoảng 20 năm, dịch vụ của chúng tôi phải thuê nhiều người nước ngoài từ chuyên gia đến thủy thủ. Nhưng sau 5-7 năm chúng tôi nội địa hóa hết. Khát vọng của chúng tôi là vươn ra biển lớn, doanh thu bằng đô ở nước ngoài”, ông Bắc dẫn chứng câu chuyện nhân sự "nội địa" và khẳng định "người dầu khí vô cùng nhiệt huyệt".
Ông Lê Đắc Hóa, Giám đốc dự án Lô 01, 02 (PVEP) kỳ vọng luật Dầu khí như "chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa dầu khí xinh đẹp đang ngủ", đặc biệt là với thăm dò, khai thác dầu khí.
Dẫn câu chuyện cụ thể của lô 01, 02 đã khai thác từ năm 1991, ông Hóa cho biết, đến bây giờ chưa có bất cứ quy định, điều luật nào trong Luật Dầu khí hiện hành để áp dụng cho các vấn đề phát sinh tại lô khai thác này. Trong đó có vướng mắc về chi phí thu dọn mỏ chưa có quy định nào để điều chỉnh. Do đó, sau khi Petronas trả lại cho Việt Nam và tồn tại phí dọn mỏ đến năm 2020 xấp xỉ 200 triệu USD và thuế VAT.
“Vì vậy Petronas kiện PVN và chúng ta thua khoảng 150 triệu USD. Đó là hệ lụy do chưa có quy định trong Luật Dầu khí”, ông Hóa dẫn chứng và khẳng định lô dầu khí này rất quan trọng vì đã mở ra tiền đề cho hợp tác quốc tế sau này.
Vì vậy, ông rất mong Luật Dầu khí mới sẽ giải quyết được những vướng mắc trong trường hợp cụ thể này.
Thông báo Kết luận về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý đến việc đơn giản hóa các thủ tục đầu tư; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung quy định về việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm phê duyệt của Thủ tướng, trách nhiệm thẩm định của Bộ Công Thương và trách nhiệm của PVN quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả hợp đồng dầu khí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất quy định theo hướng giao PVN thực hiện khai thác theo cơ chế chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện nộp vào ngân sách trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí để khuyến khích khai thác tận thu.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận lần cuối và thông qua dự luật này.