Sửa Luật Đầu tư công: Bổ sung quy định chi phí chuẩn bị giải phóng mặt bằng

Dù đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương, giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc nổi cộm ảnh hưởng đến tiến độ dự án đầu tư công

Một vị trí dự kiến triển khai xây dựng trạm biến áp tại Đắk Nông nhưng chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Một vị trí dự kiến triển khai xây dựng trạm biến áp tại Đắk Nông nhưng chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết: Dù đã nỗ lực tháo gỡ, nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương, giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc nổi cộm ảnh hưởng đến tiến độ dự án đầu tư công, gây ứ đọng nguồn vốn có sẵn, dự án bị kéo dài, đội vốn; trong đó, công tác thống kê, đo đạc, kiểm đếm phức tạp, mất nhiều thời gian là nguyên nhân lớn dẫn đến giải phóng mặt bằng khó khăn.

Tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định mới đây, Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc này. Theo đó, bổ sung khái niệm “nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng” là nhiệm vụ nhằm đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, hiện trạng.

Nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng được thực hiện mà không cần phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công. Bổ sung quy định chi phí thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác, được thực hiện quyết toán trong giá trị tổng mức đầu tư của dự án…

Các quy định này giúp sớm bố trí vốn để thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất và hiện trạng sử dụng đất, trên cơ sở đó sớm ghi nhận, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh việc thay đổi hiện trạng sử dụng đất. Cùng với đó, giúp cấp có thẩm quyền chủ động hơn trong việc bố trí nguồn lực cho từng giai đoạn của dự án, tối ưu hóa việc bố trí nguồn lực cho công tác xây lắp, mua sắm của dự án…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung căn cứ cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án, không cần chờ đến khi có thông báo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo một số ý kiến phân tích, quy định của Luật Đầu tư công, quá trình của 1 dự án bao gồm 2 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án; trong đó, công tác giải phóng mặt bằng thuộc giai đoạn thực hiện dự án và được bố trí vốn cùng với các hoạt động tổ chức thi công, xây lắp, mua sắm…

Điều này dẫn đến chỉ có thể bố trí vốn để giải phóng mặt bằng khi dự án đã được phê duyệt quyết định đầu tư, làm chậm thời gian bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng, trừ trường hợp tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; đồng thời, vốn thực hiện dự án được bố trí khi chưa thực hiện giải phóng mặt bằng nên có thể không giải ngân được nếu công tác giải phóng mặt bằng có vướng mắc.

Bên cạnh gỡ vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số quy định nhằm thúc đẩy việc phê duyệt, tăng tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn của dự án.

Về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bổ sung căn cứ cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, không cần chờ đến khi có thông báo của Thủ tướng Chính phủ; không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công đặc biệt…

Mặt khác, sửa đổi, bổ sung căn cứ hạn mức vốn nhằm tạo căn cứ pháp lý cho các bộ, cơ quan, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, tăng tính sẵn sàng và chất lượng chuẩn bị đầu tư (không phải chờ đến khi có thông báo vốn của Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt).

Theo Bộ Tài chính, quy định này giúp tăng tính chủ động, sẵn sàng về nguồn lực để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có thể phát sinh nhu cầu đầu tư ngay trong quá trình triển khai kế hoạch trung hạn.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục. Tiếp tục phân cấp mạnh hơn trong quản lý đầu tư công; sửa đổi, rút ngắn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án, trong đó bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với các chủ thể thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ đề ra…

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sua-luat-dau-tu-cong-bo-sung-quy-dinh-chi-phi-chuan-bi-giai-phong-mat-bang/372182.html