Tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội
Kinhtedthi - Với hệ thống di tích, di sản văn hóa, làng nghề đa dạng, Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa. Tuy nhiên, để có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh này, hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm công nghiệp văn hóa tạo nên sức mạnh tổng hợp có vai trò đặc biệt quan trọng.
Gắn trung tâm công nghiệp văn hóa với đường sắt đô thị
Luật Thủ đô năm 2024 quy định, TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa. Qua đó thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. Đây là chính sách đột phá góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu tham quan triển lãm bên lề hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025" diễn ra ngày 28/3. Ảnh: Phạm Hùng
Theo TS Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định “Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, sáng tạo hai bên bờ sông Hồng và khu vực có lợi thế”.
Các khâu đột phá chỉ ra phát triển trục sông Hồng là trục trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng, không gian đô thị hiện đại hai bên sông. Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa đã định hướng hình thành không gian văn hóa sông Hồng; nghiên cứu phát triển các công viên chuyên đề, không gian văn hóa, sáng tạo, nghệ thuật, giải trí và du lịch tại các bãi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế.
Như vậy, các nội dung về trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa đã được đưa vào Quy hoạch Thủ đô. Phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa là bước đi quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của cả nước và khu vực. Trong khi đó, khu vực phát triển thương mại và văn hóa là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đô thị bền vững.
“Phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa cần được quy hoạch hợp lý ở những khu vực có lợi thể về hạ tầng, điều kiện văn hóa - xã hội, đặc biệt phải có diện tích đủ lớn vì trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, giúp thúc đẩy sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị. Công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng cần thực hiện đồng bộ về giao thông; bãi đỗ xe; khu vực ăn uống; lưu trú; khu vực trải nghiệm; quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm; cảnh quan; vệ sinh công cộng…” - TS Lê Ngọc Anh nói.
Từ góc độ quốc tế, ông Emmanuel Cerise - Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa mang lại cho kinh tế Pháp khoảng 110 tỷ euro. Trên toàn khu vực châu Âu, công nghiệp văn hóa đứng thứ 3 sau lĩnh vực xây dựng và kinh doanh nhà hàng - khách sạn.
Ông Emmanuel Cerise cho rằng, Hà Nội và vùng Région Ile-de-France có nhiều điểm chung, đó là ngoài khu vực nội đô, ở các địa bàn vùng nông thôn có nhiều điểm có sức hút về văn hóa, di tích văn hóa. Điểm đáng nói là tại Paris, khi phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa, chính quyền rất quan tâm đến kết nối được giao thông công cộng. Những điểm văn hóa rất thu hút và nhu cầu giao thông công cộng gắn với các điểm này gia tăng. Hiện nay, vùng Région Ile-de-France đang xây dựng mạng lưới đường sắt 200km bao quanh Thủ đô Paris, trên dọc tuyến này kết nối hầu hết các điểm công nghiệp văn hóa của vùng.
“Để phát huy các trung tâm công nghiệp văn hóa, cần đầu tư hạ tầng giao thông, xây các tuyến buýt kết nối di sản, cung cấp tài liệu cho hành khách. Tại Hà Nội hiện có 2 tuyến đường sắt đô thị. Hà Nội nên gắn các điểm văn hóa này với lộ trình tuyến đường sắt đô thị bởi metro là phương tiện lý tưởng để quảng bá, phát triển công nghiệp văn hóa” - ông Emmanuel Cerise nói.
Tận dụng các nhà máy, không gian bỏ hoang
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045",
Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành nhiều không gian, sản phẩm sáng tạo. Mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội.
Để phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa, theo bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Hà Nội có nhiều di sản đô thị cũ đã được làm sống lại qua các Lễ hội Thiết kế sáng tạo như Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Cung Thiếu nhi Hà Nội… Đây là tiềm năng lớn để phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa.
“Hà Nội cần tái sử dụng khu công nghiệp cũ, di sản công nghiệp bị bỏ hoang thành trung tâm công nghiệp văn hóa, như vậy vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ, nhất là cộng đồng sáng tạo trẻ” - bà Phạm Thanh Hường đề xuất. Đồng thời cho rằng Hà Nội cần phát triển trung tâm liên kết đa ngành: văn hóa, thiết kế sáng tạo, công nghệ, trong đó khuyến khích thử nghiệm mới và Nhà nước có chính sách hỗ trợ ưu đãi thuế, mặt bằng, tài chính, quỹ...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chủ trương quan trọng của TP nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh cùng với cả nước, Hà Nội đang đứng trước yêu cầu phát triển, tăng trưởng 2 con số và cần phát triển hơn nữa trong những năm tới. Để đạt được tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, Hà Nội cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, trong điều kiện hiện nay, TP sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa. Đồng thời, TP sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (PPP) để phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của riêng người làm văn hóa. Tại vùng Région Ile-de-France, các tuyến xe buýt số 26, 30 được thiết kế dành riêng cho các điểm kết nối di sản văn hóa. Các DN vận tải này còn phát tài liệu phát cho khách, hướng dẫn khách khi đi tuyến này đến điểm văn hóa nào, có lễ hội nào đáng chú ý…
Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội Emmanuel Cerise
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-dong-luc-moi-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.688954.html