Sửa luật để Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh

Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình. Ảnh: Lâm Hiển

Chiều 3-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Theo ông Nguyễn Đình Khang, Luật Công đoàn hiện hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Do đó Luật Công đoàn (sửa đổi) phải được xây dựng phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.

Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam.

Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.

So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chủ yếu như quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất theo mô hình công đoàn 4 cấp" và "Mô hình tổ chức công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn" (Điều 8 dự thảo Luật).

Dự thảo luật cũng trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ (Điều 26) theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng thời cho phép "Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ".

Cùng với đó là bổ sung quy định mới về "Phản biện xã hội của công đoàn" (Điều 17 dự thảo Luật).

Về bảo đảm thời gian hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách, dự thảo Luật sửa đổi quy định về bảo đảm thời gian hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn không chuyên trách theo hướng: Quy định cụ thể cách xác định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn, bảo đảm tuân theo cách tiếp cận mới của Bộ luật Lao động 2019, không suy giảm quá lớn so với quy định hiện hành, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013.

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sua-luat-de-cong-doan-viet-nam-ngay-cang-lon-manh-196240603150515724.htm