Sửa luật để đưa 5 tổ chức chính trị-xã hội và 20 hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Toàn cảnh Phiên họp.
Trình bày tóm tắt Tờ trình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung vào một số điều liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, dự thảo Luật bổ sung quy định để bảo đảm nguyên tắc 5 tổ chức chính trị - xã hội, 20 hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (sắp xếp từ 30 hội hiện nay) về trực thuộc MTTQ Việt Nam.
“Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban MTTQ Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ.
Về tổ chức của MTTQ Việt Nam, để phù hợp và đồng bộ với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo Luật bỏ quy định “Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, chỉ tổ chức MTTQ Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp xã.
Việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày Tờ trình.
Với hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam, dự thảo Luật đề xuất quy định Công đoàn Việt Nam gồm 3 cấp: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn cấp cơ sở (bỏ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở như quy định hiện hành).
Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của mỗi tổ chức sau khi sắp xếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra.
Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cơ bản nhất trí phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật. Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban nhất trí với đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất đối với các quy định mới về tổ chức, bộ máy. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung liên quan tới việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và các quy định khác liên quan tới việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, cũng như cập nhật kịp thời nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp để điều chỉnh cần thiết đối với dự thảo Luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời bổ sung đánh giá về tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp.
Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị khẩn trương, tích cực, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, tán thành với đề xuất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các ý kiến cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát một số luật có quy định liên quan đến hoạt động của MTTQ Việt Nam trong các luật đang trong quá trình sửa đổi như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân...; hoàn thiện, cập nhật kịp thời các nội dung sửa đổi của các luật này để có điều chỉnh phù hợp tại dự thảo Luật nếu phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính khả thi và tính liên tục về hoạt động của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung Phiên họp.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến tại Phiên họp để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, gửi đại biểu Quốc hội trước khai mạc Kỳ họp thứ 9.
Đồng thời, lưu ý, cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan và bổ sung nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của Chính phủ, của các tổ chức chính trị - xã hội; đánh giá về tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bám sát định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cũng như cập nhật kịp thời nội dung các luật có liên quan đang được sửa đổi để điều chỉnh khi cần thiết, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.