Sửa Luật để hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Ngày 20/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong các FTA

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành thời gian qua cũng cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội.

Về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương, Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn luật về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong minh bạch hóa, hoạt động phải thực hiện và điều kiện để bảo đảm minh bạch hóa.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với việc sửa đổi các quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Về việc công bố hợp chuẩn, hợp quy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thử nghiệm phục vụ chứng nhận của tổ chức chứng nhận; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc kết quả thử nghiệm được thừa nhận; bổ sung thêm 1 biện pháp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận được thừa nhận.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về quy trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); quy định rõ ràng hơn về sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong xây dựng TCVN; quy định tiêu chí, điều kiện, trách nhiệm để các tổ chức, cá nhân liên quan được tham gia vào xây dựng TCVN...

Tham khảo ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức xã hội

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có đối phạm vi rộng, liên quan đến cấp độ quốc tế, quốc gia, địa phương, người dân và doanh nghiệp và toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực thi Luật còn một số bất cập nên cần sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Khẳng định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phục vụ cho nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào hội nhập kinh tế, tham gia vào các Hiệp định FTA.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có phản ánh là một số tiêu chuẩn chuẩn kỹ thuật Việt Nam vẫn còn có những quy định thiếu thống nhất dẫn đến việc triển khai còn vướng mắc nhất định. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét bất cập này để có những sửa đổi kịp thời.

Ngoài ra, khi việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cũng phải phù hợp và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc xây dựng tốn kém về kinh phí và không thể áp dụng hiệu quả. Vì nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác cũng phải tuân theo quy chuẩn, quy định của nước đó đề ra.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của cơ quan thẩm tra; tiếp tục rà soát phạm vi sửa đổi; tổ chức thêm các hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vì Luật này có liên quan đến rất nhiều các đối tượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các bộ quy định.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/sua-luat-de-hoan-thien-quy-dinh-ve-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-175648.html