Sửa luật để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, chính trị xã hội

Sáng 16/8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị của UBTCNS trong việc thẩm tra dự án Luật, hoan nghênh UBTCNS đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia đối với dự án Luật để có thêm thông tin xây dựng báo cáo thẩm tra phục vụ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trình Quốc hội.

Tháo gỡ nhiều bất cập về đầu tư vốn nhà nước

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 69) ra đời đã xử lý xung đột lợi ích lớn nhất trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đó là tách bạch quyền sở hữu vốn với quyền quản lý nhà nước; góp phần tạo nên một nền kinh tế với các nguyên tắc thị trường được tôn trọng, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng hơn, minh bạch hơn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, mặc dù được đánh giá là có tiến bộ lớn trong việc gỡ bỏ xung đột lợi ích, nhưng Luật hiện hành cũng đã phát sinh nhiều bất cập, như chưa tách bạch được chức năng đại diện vốn chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo và vẫn xảy ra nguy cơ thất thoát vốn… Do đó, hội thảo hôm nay rất có ý nghĩa để hoàn thiện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung 6 chính sách đã được Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội thông qua, gồm 9 Chương và 92 Điều.

Trong Chương 4 về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Bộ Tài chính trước đây dự định thiết kế 2 trong 1 để vừa cải cách thủ tục hành chính cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhưng trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến chưa đồng tình. Hiện Bộ Tài chính đã rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp, vận dụng tối đa để không điều chỉnh các Luật khác, những nội dung nào trùng thì hợp nhất vào, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho hay.

Trong đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đặc biệt quan tâm, tham gia góp ý về một số nội dung như Chương 2 về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trong đó có nội dung về trích lập Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ Khen thưởng phúc lợi… Ở nội dung này, Bộ Tài chính đã đưa ra 3 pPhương án để các đại biểu cho ý kiến.

Tại Chương 3 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (từ Điều 19 đến Điều 27), các nội dung về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, thẩm quyền đầu tư vốn và các quyết định dự án đầu tư của doanh nghiệp, mức thực hiện phân cấp quyết định trước khi đầu tư… Theo Thứ trưởng, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty cho biết đang vướng, khó khăn trong nội dung đầu tư này.

Liên quan đến sắp xếp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, liên quan đến cơ quan, người đại diện sở hữu vốn từ Điều 50 đến Điều 55 và giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng xin ý kiến các đại biểu để đảm bảo Luật khi ban hành được triển khai hiệu quả, thuận lợi cho các chủ sở hữu, các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận phát biểu tại hội thảo

Thu gọn lĩnh vực nhà nước đầu tư

Góp ý cho dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Cảnh Toàn đề nghị xem xét quy định rõ trong dự thảo các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.

Trong đó tập trung: quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với doanh nghiệp, hội đồng thành viên, người đại diện vốn...; quy định rõ quyền hạn, chức năng quản lý vốn, tài sản của Ủy ban tại doanh nghiệp về việc phê duyệt chủ trương đầu tư vốn, tài sản; phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương vay vốn, thế chấp tài sản đặc thù…; quy định về cơ chế tài chính đặc thù, nguồn hoạt động của Ủy ban…

Liên quan đến đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự thảo quy định mục tiêu gồm khá nhiều lĩnh vực, gồm cả kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế các bon thấp, các dự án hạ tầng trọng điểm… "Nên chăng thu gọn lĩnh vực, còn lại để khu vực tư nhân thực hiện" - ông Nguyễn Văn Giàu đề xuất.

Đối với quy định mới về mục đích sử dụng Quỹ đầu tư phát triển, đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng băn khoăn về quy định cho phép sử dụng Quỹ để xử lý đối với các dự án kinh doanh thua lỗ và đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét có quy định cơ chế xử lý riêng đối với dự án thua lỗ.

Từ phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Công ty Chấn Hưng, một doanh nghiệp thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, dự thảo quy định mở rộng cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương gồm tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc trung ương là phù hợp với tình hình thực tế, tạo cơ sở pháp lý cho các đối tượng này trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện dự thảo chưa quy định về việc phân phối lợi nhuận với các doanh nghiệp do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp làm đại diện chủ sở hữu. Do đó, để thống nhất với chủ trương hiện nay của Chính phủ và phù hợp thực tế doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Nga đề nghị quy định tại dự thảo theo hướng “không thu vào ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận sau thuế còn lại” của các doanh nghiệp thuộc nhóm này và giao cho các đai diện chủ sở hữu vốn của nhà nước này chịu trách nhiệm ban hành quy chế quản lý, sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế còn lại của các doanh nghiệp do mình quản lý đúng mục đích.

Ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nghiệm UBTCNS Phạm Thúy Chinh cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc, cụ thể, xác đáng của các đại biểu quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… Qua các trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã cung cấp thông tin, cơ sở khoa học và thực tiễn về thực trạng việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với dự thảo Luật. Đây là những cơ sở quan trọng để các cơ quan hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo mục tiêu, chất lượng, tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp tới đây./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-de-tao-co-so-phap-ly-cho-doanh-nghiep-thuoc-to-chuc-chinh-tri-chinh-tri-xa-hoi-157314.html