Sửa luật do thực tế đòi hỏi

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng một trong những lý do dẫn tới việc điều chỉnh luật là để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 22-8, kỳ họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục làm việc với phiên chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành đối với nhóm lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Luật vừa thi hành đã phải sửa

Chất vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu (ĐB) Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) nhắc đến thông tin Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi 13 dự án luật do có bất cập, vướng mắc. Theo ĐB Thủy, nhiệm kỳ QH khóa XV đã có định hướng chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát pháp luật cũng được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, hiện có tình trạng luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa. "Nguyên nhân vì đâu? Trách nhiệm của Chính phủ trong việc các luật phải liên tục sửa đổi?" - ĐB Thủy chất vấn.

Trả lời ĐB Thủy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án luật vào định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình QH xem xét thông qua 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau.

Còn lý do dẫn tới việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, một phần là để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.

Chưa hoàn toàn đồng tình với phần trả lời này, ĐB Nguyễn Phương Thủy dùng quyền tranh luận và cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân là do năng lực, tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia công tác xây dựng pháp luật. Tiếp tục trả lời vấn đề ĐB đặt ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long nói công tác xây dựng pháp luật phải làm sao để yêu cầu về thực tế và yêu cầu về sự ổn định của hệ thống "gặp được nhau".

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ duy trì những vấn đề ổn định và nâng cao trình độ, năng lực nhằm đạt chất lượng tốt hơn trong công tác xây dựng pháp luật, qua đó xử lý các vấn đề phát sinh.

Liên quan lĩnh vực nội vụ, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về giải pháp để cán bộ, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng đầy đủ chế độ khi thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ làm dôi dư 21.800 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Hiện 46/54 địa phương trong diện sắp xếp đã có nghị quyết của HĐND để hỗ trợ các trường hợp dôi dư.

Với địa phương tự cân đối thì thực hiện theo nghị định của Chính phủ cũng như nghị quyết của HĐND tỉnh. Riêng địa phương không tự cân đối được kinh phí thì khẩn trương tổng hợp gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Chính phủ sớm giải quyết.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hôịẢnh: PHẠM THẮNG

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hôịẢnh: PHẠM THẮNG

Phòng chống tham nhũng: Triển khai toàn diện

Cuối phiên chất vấn, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ về 7 lĩnh vực. Theo đó, đối với lĩnh vực công thương, Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu; chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Đối với lĩnh vực tư pháp, Chính phủ sẽ chỉ đạo khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật. Ở lĩnh vực nội vụ, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, bố trí, sắp xếp cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư sẽ được Chính phủ khẩn trương triển khai…

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đánh giá sau 1 ngày rưỡi làm việc, đã có 66 lượt ĐB chất vấn, 9 lượt ĐB tranh luận. Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ QH sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành.

Về một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch QH cũng đề nghị Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ liên quan lĩnh vực năng lượng, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung thực hiện phòng chống các hành vi tiêu cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực.

Đối với Bộ Tư pháp, Chủ tịch QH lưu ý Bộ Tư pháp khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản; đồng thời tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Hai cơ quan là TAND Tối cao và VKSND Tối cao được yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực của mình. Trong đó, VKSND Tối cao cần thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra.

Chống tội phạm công nghệ cao phải có "giải pháp đặc thù"

Trả lời ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về các biện pháp để phòng chống, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết tội phạm công nghệ cao có 3 đặc điểm chính dẫn đến khó phát hiện, xử lý gồm: Không biên giới, tính ẩn danh cao; trên đời thực có cái gì thì trên không gian mạng có cái đó, trên đời thực có một thì trên không gian mạng có thể nhân lên gấp nhiều lần; trình độ công nghệ, kỹ thuật cao. Do đó, đấu tranh với loại tội phạm này cần các biện pháp, giải pháp đặc thù.

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, thời gian tới cần đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.

Minh CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sua-luat-do-thuc-te-doi-hoi-196240822210033125.htm