Sửa Luật Doanh nghiệp: Thúc đẩy cạnh tranh có trật tự
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng chính là việc thúc đẩy cạnh tranh có trật tự và là yếu tố căn bản của kinh tế thị trường.
Thưa ông, mỗi lần sửa đổi trước đây, Luật Doanh nghiệp (DN) đều tạo nên những thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh. Lần sửa đổi này sẽ có đột phá gì, thưa ông?
Có thể nhắc tới một số thay đổi lớn, như mở rộng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân trên tinh thần Hiến pháp là người dân được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Nội dung này thể hiện trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi) qua một số nội dung.
Một là, quy định về đơn giản hóa, gỡ rào cản trong thành lập DN.
Hai là, chuyển từ chế độ kinh doanh những ngành, nghề đăng ký sang kinh doanh những ngành không cấm.
Ba là, rà soát ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để đơn giản hóa, hợp lý hóa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bốn là, áp dụng thủ tục thống nhất về gia nhập thị trường với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thiết lập thủ tục thân thiện với thị trường và kinh doanh.
Năm là, thay đổi quy định về quản trị DN, giảm chi phí tuân thủ trong áp dụng quy định liên quan đến quản trị nội bộ DN, làm quản trị DN linh hoạt hơn, ra quyết định trong DN nhanh hơn, nhạy hơn và ít tốn kém hơn, đồng thời tăng bảo vệ lợi ích của các cổ đông…
Những điểm này có thể tạo nên các thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường. Tuy nhiên, việc có tạo đột phá hay không thì còn phải chờ đợi tính hiệu lực và cơ chế thực thi.
Tuy nhiên, có thể thấy ngay những cải cách trong thủ tục hành chính?
Đúng là sẽ có cải cách thủ tục hành chính khi áp dụng những quy định của Dự thảo Luật DN (sửa đổi). Điều này sẽ giảm phiền hà, tốn kém cho DN, cũng như giảm cơ hội gây ra bất bình đẳng trong việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Nhưng phải nói rằng, cải cách thủ tục hành chính mới là cải cách phần ngọn (cách thức thực hiện), vấn đề là thay đổi gốc – tức là nội dung các luật, có nghĩa là thay đổi vai trò, vị trí, chức năng của Nhà nước và thị trường. Ví dụ như cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm...
Muốn thực sự đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính, thì cần nhìn vào bản chất của sự việc để thay đổi nội dung của luật, rồi mới thay đổi về cách thực hiện. Nếu không, rất có thể, đơn giản thủ tục ở chỗ này, lại xuất hiện phức tạp chỗ khác.
Giới đầu tư - kinh doanh đang kỳ vọng vào một môi trường kinh doanh bình đẳng thực sự, thưa ông?
Về nguyên tắc, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng chính là thúc đẩy cạnh tranh có trật tự. Để làm được việc này, cần có sự thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Nói một cách dễ hiểu, pháp luật liên quan đến hoạt động của DN chia làm 4 nhóm.
Một là, các quy định về gia nhập thị trường. Hai là, quy định về hoạt động của DN. Ba là, thiết lập trật tự của thị trường. Bốn là, quy định rút khỏi thị trường của DN.
Trong đó, Luật DN giải quyết gia nhập thị trường, giảm rào cản để nhiều DN gia nhập thị trường, tạo ra cạnh tranh và nâng cao mức độ cạnh tranh của thị trường. Song về trật tự cạnh tranh thì đòi hỏi nhiều hơn, trong đó 2 yếu tố quan trọng là giám sát thị trường (như pháp luật về kiểm soát độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh, chế tài xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quy định về hàng giả, hàng nhái...) và quy định về cách thức quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo không xung đột, không thiên vị cho DN này ảnh hưởng đến DN khác…
Thời gian qua, chúng ta chú ý nhiều đến việc gia nhập thị trường, nhưng chưa chú ý đến các luật về đảm bảo trật tự thị trường và thay đổi chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi vai trò, chức năng, cách thức vận hành quản lý của Nhà nước và thể hiện trong các văn bản luật.
* Chuyên mục Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn được thực hiện từ nay đến tháng 10/2014.
* Tòa soạn mong nhận được góp ý, đề xuất, kiến nghị của quý độc giả, các chuyên gia kinh tế, luật sư, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung của Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Nội dung góp ý sẽ được tổng hợp, chuyển tới Ban Soạn thảo.
* Nội dung góp ý vui lòng gửi về địa chỉ: Huyhaodautu@gmail.com.
* Ban Biên tập Báo Đầu tư điện tử trân trọng mọi đóng góp, chia sẻ của quý độc giả.
Khánh An
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sua-luat-doanh-nghiep-thuc-day-canh-tranh-co-trat-tu-d15275.html