Sửa Luật Giá thế nào để hạn chế 'tăng giá quá cao, ăn lời quá đáng'
Đó là vấn đề được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đặt ra tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) của Quốc hội, chiều 23/5.
Nữ đại biểu nói rất trông chờ rất nhiều ở lần sửa đổi này, khi mà thời gian qua xảy ra rất nhiều vấn đề sau khi mua bán trang thiết bị y tế, thuốc thì cơ quan điều tra kết luận "tăng giá bán quá cao, ăn lời quá đáng”.
Vì thế, theo đại biểu, Luật Giá (sửa đổi) cần quy định cụ thể trong các tình huống đặc biệt như dịch bệnh, thiên tai, thảm họa thì tỷ lệ bao nhiêu là tăng giá quá cao, để tránh tình trạng tùy tiện, áp đặt, đồng thời cũng tránh bị cơ quan điều tra xử lý cũng như chịu ảnh hưởng của dư luận.
“Trong tình hình dịch bệnh mà doanh nghiệp có lợi nhuận được cho là cao quá thì cả xã hội lên án sẽ tạo tâm lý hết sức e ngại. Các doanh nghiệp cũng không biết đâu mà theo”, bà Lan nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo đại biểu, vấn đề cần khắc phục trong chuyện tăng giá là ở chỗ lòng vòng, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian khiến cho người tiêu dùng cuối cùng phải chịu mức giá rất cao.
“Tuy nhiên, trong Luật Giá sửa đổi, tôi chưa thấy chúng ta có cách nào chế tài được việc này, đây là việc cần phải tập trung”, bà Lan đề nghị.
Hiện nay, cũng đã có thông tư của Bộ Y tế quy định khoản tiền lãi là bao nhiêu phần trăm đối với các nhà thuốc tại bệnh viện, bà Lan cho hay.
Đại biểu cho rằng, cần học tập những kinh nghiệm trong quá khứ hay ở các nước để có quy định cụ thể, tránh trường hợp bị oan uổng, hoặc không có đủ dũng cảm để cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế”.
Một vấn đề khác tại dự thảo cũng được bà Lan đề cập là, danh mục hàng hóa bình ổn giá đã đưa vào danh mục mặt hàng sữa cho người cao tuổi, mà theo đại biểu là không phù hợp, vì đây không phải là mặt hàng thiết yếu.
“Chúng ta nên tập trung vào những mặt hàng thực sự thiết yếu và làm cho tốt để danh mục bình ổn này thực sự có ý nghĩa hơn là lâu lâu chúng ta nhớ ra một mặt hàng rồi đưa vào thì rất khó và không có cơ sở gì, gây nhiều ảnh hưởng cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, đặc biệt trong tình trạng khó khăn như hiện nay”, bà Lan góp ý.
Vẫn theo đại biểu, đôi khi vì muốn tốt, muốn bình ổn giá một mặt hàng nào đó nhưng việc quy định có thể làm rối loạn về cung cầu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nhìn vào danh mục hàng hóa bình ổn giá quy định tại dự thảo mới nhất, đại biểu cũng nhận xét là chưa thuyết phục.
Theo báo cáo giải trình thì sau khi rà soát thận trọng; đánh giá cụ thể từng mặt hàng trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đến nay, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, trong đó có thịt heo và phân đạm; phân DAP; phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật...
“Tại sao lại là thịt heo mà không phải thịt khác? Tại sao lại là vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật cho ngành nông nghiệp mà không phải mặt hàng ngành khác?”, bà Lan băn khoăn và dẫn chứng, trong đại dịch Covid-19, mặt hàng thiết yếu cung cấp cho người dân là gạo, mắm, dầu chứ không ai cung cấp nổi thịt heo và những thứ khác.
Vì thế, bà Lan kiến nghị danh mục hàng hóa bình ổn giá nên là một danh sách mở để bổ sung trong trường hợp cần thiết, luật chỉ quy định điều kiện bổ sung và giao Bộ Tài chính quyết định.