Sửa Luật Quản lý thuế: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý thuế

Việc xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số, hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế, từ đó nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.

Cục Thuế đề nghị các trưởng thuế quán triệt đầy đủ nội dung phân cấp, phân quyền liên quan đến lĩnh vực thuế. Ảnh tư liệu

Cục Thuế đề nghị các trưởng thuế quán triệt đầy đủ nội dung phân cấp, phân quyền liên quan đến lĩnh vực thuế. Ảnh tư liệu

Sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội về sửa đổi tổng thể Luật Quản lý thuế, Nghị quyết số 198/NQ-CP ngày 27/6/2025 của Chính phủ về bổ sung dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang triển khai lấy ý kiến hồ sơ chính sách của dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) theo quy định.

Theo Bộ Tài chính, thực tiễn thi hành pháp luật về quản lý thuế cho thấy một số quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành chưa đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và quy định của luật chuyên ngành. Do đó, việc xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa và chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý thu thuế, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thuế với ba trụ cột chính: Tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nâng cao hiệu lực và trình độ quản lý thuế, thúc đẩy số hóa quy trình quản lý thuế.

Tại Hội nghị tham vấn chính sách dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) sẽ đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới, đặc biệt là các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi tư duy trong quản lý thuế.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế một cách toàn diện để đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy mới, đồng thời, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới.

Luật sẽ kế thừa và phát huy những quy định đã mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định vướng mắc, không còn phù hợp để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiêp cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế.

Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính

Để đảm bảo luật mới được ban hành có ý nghĩa thực chất, đi vào thực tiễn, dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) được nghiên cứu và thiết kế với nhiều chính sách quan trọng, tập trung vào định hướng về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý thuế; chuyển đổi số toàn diện và tự động hóa; đổi mới phương pháp quản lý và tăng cường chức năng kiểm tra thuế.

Góp ý vào dự thảo luật, Bộ Công thương cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế), cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu, xem xét, đánh giá kỹ các nội dung trong hồ sơ chính sách để đảm bảo tính khả thi, minh bạch và hiệu quả trong triển khai thực hiện. Đặc biệt lưu ý đến các loại hình thuế mới hoặc hình thức thu nhập từ nền tảng số, tài sản kỹ thuật số, chuyển nhượng tài sản ảo…; có chính sách riêng để quản lý thuế đối với cá nhân có thu nhập từ nền tảng xuyên biên giới…

Dự án Luật có phạm vi, đối tượng lớn, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội trong quá trình chuyển đổi. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có phương án triển khai cụ thể và các phương án dự phòng (nếu có), giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật đối với một số nội dung như: phần mềm hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phương án đối với hộ cá nhân kinh doanh thuộc diện phải triển khai nộp thuế tính theo doanh thu của máy tính tiền nhưng chưa có điều kiện chuyển đổi vì những lý do khách quan khác nhau hay phương án khi bắt đầu triển khai sẽ có nhiều hộ kinh doanh cùng thực hiện sẽ gây nghẽn, ách tách cục bộ.

Góp ý về vấn đề quản lý thuế đối với các tài sản số, Thanh tra Chính phủ cho biết, ngày 14/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số nội dung liên quan đến nghĩa vụ thuế, miễn giảm thuế đối với tài sản số như sản phẩm bán dẫn, tài sản mã hóa, dịch vụ công nghệ số... Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc nghiên cứu, bổ sung vào Mục 6.3 (trang 32) Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Quản lý thuế trong Hồ sơ dự án luật một số nội dung đề xuất về cơ chế quản lý thuế đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp.

Tiếp thu, giải trình góp ý của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Thuế đang sắp xếp lại mô hình quản lý chuyển từ quản lý theo chức năng sang quản lý theo đối tượng và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ.

Do vậy, đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bán dẫn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số, đơn vị phát hành hoặc sở hữu tài sản mã hóa (NFT, token, tài sản số khác) cũng sẽ thuộc đối tượng quản lý thuế và cơ quan thuế sẽ phải nghiên cứu áp dụng quản lý rủi ro chuyên biệt với tiêu chí phù hợp với tính chất ngành: tốc độ phát triển nhanh, phi vật chất, dễ chuyển giao giá trị, khó định danh chính xác của đối tượng người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.

Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến góp ý của Thanh tra Chính phủ, bổ sung đánh giá vào Mục 6.3 Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Quản lý thuế. Đồng thời, tiếp thu ý kiến góp ý từ Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đắc Tiến - Kế toán trưởng Công ty TNHH Haem Vina (đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) kỳ vọng, việc sửa Luật Quản lý thuế lần này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và thân thiện hơn cho người nộp thuế.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số toàn diện và tự động hóa công tác quản lý thuế, sẽ giảm thiểu sự tác động, xử lý thủ công của con người trong các bước quy trình nghiệp vụ, qua đó sẽ giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính cho người nộp thuế.

Tiếp tục tổng hợp ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện dự án Luật

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, để kịp thời triển khai tiến độ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025, Bộ Tài chính đang tiếp tục tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan để rà soát các chính sách, quy định trong các điều của luật. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ triển khai xây dựng các dự thảo nghị định để hướng dẫn chi tiết luật ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

“Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đặt ra những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến công tác quản lý thuế trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số, đòi hỏi ngành Thuế phải sửa đổi Luật Quản lý thuế đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số đang phát triển nhanh chóng. Quan điểm xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) là đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tôn trọng người nộp thuế tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, dựa trên cơ sở dữ liệu tích hợp, thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, từ đó hướng tới đẩy mạnh chuyển đổi số, thống nhất, công khai, minh bạch trong quản lý thu thuế”.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành

Tuấn Nguyễn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-quan-ly-thue-day-manh-phan-cap-phan-quyen-quan-ly-thue-180250-180250.html