Sửa Luật Tài nguyên nước: Bảo vệ nguồn nước đã rất cấp bách

Các đại biểu đều cho rằng việc bảo vệ nguồn nước thực sự rất cấp bách, bởi đây là nguồn tài nguyên rất quan trọng đang bị xâm hại, ô nhiễm...

Chiều 20-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Nhịn ăn được chứ không thể thiếu nước

Góp ý về “nguyên tắc bảo vệ, khai thác, sử dụng” tài nguyên nước, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần quy định chi tiết nội dung này vì đây là xương sống của toàn dự luật.

“Nước là tài nguyên vô giá, các sinh vật, kể cả con người có thể nhịn ăn chứ không thể thiếu nước được. Nguồn nước tự nhiên của đất nước ta hiện nay có chiều hướng suy giảm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tác động của thiên nhiên và con người gây ra” - ĐB Hòa nhấn mạnh.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

ĐB Hòa cũng đề nghị thêm các chính sách cụ thể như đầu tư cho các hồ, đập tích trữ nước, hạn chế tối đa xây dựng đập thủy điện, ứng dụng công nghệ tái chế nước sinh hoạt, nước mưa, cải tạo nước biển thành nước ngọt.

Ông cho hay thời gian qua việc xử lý các hành vi gây hại cho nguồn nước rất khó khăn vì quan niệm “mặc nhận cho rằng nước rất phong phú, vô tận”, hình phạt thiếu nghiêm minh…

“Tôi đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm để nêu gương, phòng ngừa, như là xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, hủy hoại nước do sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ” - ĐB Hòa nhấn mạnh.

Cần luật riêng cho nước sinh hoạt

Góp ý vào dự luật, ĐB Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh “công dân có quyền đảm bảo về an sinh xã hội”, do vậy vấn đề cung ứng nước sạch và nước sinh hoạt nên được điều chỉnh trong dự luật này.

Ông cho hay hiện phía Bộ TN&MT thông tin Chính phủ đang giao cho Bộ nghiên cứu xây dựng riêng một luật về cấp, thoát nước nhưng trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa có.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). Ảnh: QH

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). Ảnh: QH

Theo ông Thân, hiện vấn đề cấp nước sinh hoạt đang được điều chỉnh bởi Nghị định 117/2007 (được sửa đổi, bổ sung vào 2011, 2017, 2019). Trong đó, quy định về việc khách hàng sử dụng nước, đấu nối nước, hợp đồng dịch vụ cấp nước, tạm ngừng, ngừng, giá nước, chính sách nước cho vùng sâu, vùng xa…

“Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội vào trong luật, tôi đề nghị đưa nội dung này và chuyển toàn bộ các nội dung của Nghị định 117 thành một chương của Luật Tài nguyên nước” - ông Thân đề nghị.

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QH

Tranh luận với ĐB Lê Xuân Thân, ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng bây giờ đưa các chính sách trong Nghị định 117/2007 cách đây 17 năm thì rất lạc hậu, không đầy đủ. Theo ông, ngành cấp thoát nước hiện nay không phát triển do nhiều nguyên do như cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn nhiều đầu mối; giá nước thấp không thu hút được đầu tư; công nghệ kém nên chất lượng nước thấp…

“Như ĐB Thân cũng nói do tầm quan trọng của nước sinh hoạt nên cần có luật quy định nhưng phải xây dựng luật riêng, còn chúng ta ghép vào đây thì sẽ chồng chéo nhau về quản lý” - ông Huân nói và nhấn mạnh hiện nay nguồn cấp cho nước sinh hoạt chỉ chiếm có 3% (trong số 800 tỉ m3/năm) và ngày đang bị thu hẹp dần, do đó rất cần thiết một luật riêng để điều chỉnh.

Tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh khẳng định dự luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên, an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra hạn hán, lũ lụt, xâm ngập mặn ở nước ta.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: QH

Ông cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến các đại biểu nêu để rà soát dự thảo Luật chặt chẽ hơn để kiểm soát vấn đề sử dụng nước hiệu quả, sử dụng tuần hoàn nước. Đồng thời, có các chính sách điều tiết nguồn nước để giải quyết vấn đề thiếu nước ở mùa khô và giữ nước mùa mưa đảm bảo hiệu quả quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra để nghiên cứu nhóm nội dung về “nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa”, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên”… để đồng bộ với pháp luật liên quan; ngoài nước ngọt sẽ có quy định quản lý tài nguyên nước lợ, nước mặt.

Quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; có cơ chế phối hợp để phục hồi và bảo vệ các dòng chảy, nguồn nước.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sua-luat-tai-nguyen-nuoc-bao-ve-nguon-nuoc-da-rat-cap-bach-post738781.html