Sửa luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Thêm ưu đãi cho công nghệ cao, R&D

Nhiều thay đổi được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, tạo dư địa để họ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà bứt phá với động lực tăng trưởng chính từ nhóm kinh tế tư nhân, những sửa đổi trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đang thu hút sự quan tâm lớn từ phía các chuyên gia, đại biểu cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Không chỉ nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dự thảo luật lần này còn mang theo kỳ vọng thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Với loạt ưu đãi thuế được đề xuất, từ việc kéo dài thời gian miễn thuế cho các lĩnh vực công nghệ cao đến nới lỏng quy định trích lập quỹ, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thêm nguồn lực để phát triển bền vững.

Các đại biểu chỉ ra nhiều ý kiến đóng góp cho sửa đổi Luật Thuế TNDN tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu chỉ ra nhiều ý kiến đóng góp cho sửa đổi Luật Thuế TNDN tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tăng sức bật cho công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chỉ ra một “điểm nghẽn” đáng chú ý là thời gian miễn thuế tối đa ba năm là quá ngắn. Các dự án nghiên cứu và phát triển thường mất nhiều năm để hoàn thiện và thương mại hóa.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị kéo dài thời gian miễn thuế, đồng thời ban hành các tiêu chí rõ ràng để xác định “sản phẩm công nghệ mới” hay “sản phẩm sản xuất thử nghiệm”, nhằm tránh tình trạng lạm dụng chính sách.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) nhấn mạnh: “Thời gian miễn thuế ba năm chưa đủ để khuyến khích đầu tư vào chuyển đổi số và khoa học công nghệ.”

Bà Mai đề xuất nâng thời gian miễn thuế lên năm năm, đặc biệt dành cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Theo các đại biểu, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ có thêm thời gian ổn định, phát triển sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường.

Song song đó, dự thảo luật cũng đề cập đến việc hoàn thiện các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ, cùng với điều chỉnh thuế suất cho phù hợp với thực tiễn mới.

Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, tạo dư địa để họ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Linh hoạt hơn để khuyến khích đầu tư

Một điểm sáng khác trong dự thảo luật là các quy định mới về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Theo Điều 17, doanh nghiệp được phép trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập quỹ. Tuy nhiên, nếu sau năm năm không sử dụng hết 70% quỹ hoặc sử dụng sai mục đích, doanh nghiệp sẽ phải nộp lại thuế và tiền lãi.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng mức trích 10% chưa đủ linh hoạt, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp. “Nên cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 15% thu nhập tính thuế để khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển”, bà đề xuất.

Bà Tú Anh cũng chỉ rõ thực tế là nhiều dự án nghiên cứu, như phát triển phần mềm hay dược phẩm, thường kéo dài từ 10 - 15 năm. Do đó, quy định phải sử dụng ít nhất 70% quỹ trong vòng 5 năm là chưa thực tế.

Bà kiến nghị nên cho phép chuyển phần quỹ chưa sử dụng sang các năm tiếp theo mà không bị truy thu thuế, đồng thời cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa lạm dụng chính sách.

Chuyển lỗ: Cân bằng giữa hỗ trợ doanh nghiệp và chống trốn thuế

Về quy định chuyển lỗ tại Điều 16, dự thảo hiện hành cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ liên tục trong thời gian không quá 5 năm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng quy định này còn bất cập.

Có ý kiến cho rằng Luật Doanh nghiệp không quy định doanh nghiệp lỗ mấy năm thì phải tuyên bố phá sản.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lỗ đến 5-7 năm nhưng vẫn tiếp tục đầu tư sản xuất nên luật thuế thu nhập doanh nghiệp không thể quy định cho phép được chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm.

Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ giới hạn thời gian chuyển lỗ để tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn cố tình làm cho doanh nghiệp bị lỗ, lợi dụng chuyển lỗ để giảm thu nhập tính thuế; đồng thời làm cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém phải cố gắng phấn đấu cải thiện tỉnh hình kinh doanh.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng cần thiết phải có tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là “lỗ” chính đáng, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trốn thuế.

“Đối với doanh nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, có thể xem xét tăng thời gian chuyển lỗ, nhưng phải kèm theo nguyên tắc chặt chẽ trong luật,” bà nhấn mạnh.

Cách tiếp cận này sẽ giúp cân bằng giữa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm công bằng, minh bạch trong hệ thống thuế.

Đáng chú ý, nhiều đại biểu đề xuất đưa Luật Thuế TNDN sửa đổi vào hiệu lực từ ngày 1/10/2025, thay vì đầu năm 2026 như dự kiến, nhằm kịp thời tạo động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Ban soạn thảo sẽ cố gắng tối đa để luật có thể được ban hành và đưa vào thực thi sớm như đề xuất.”

Điều này cho thấy quyết tâm cao trong việc đưa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đi vào cuộc sống, bắt nhịp với tốc độ phát triển nhanh của khu vực kinh tế tư nhân.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-them-uu-dai-cho-cong-nghe-cao-rd-d40178.html