Sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cần tạo động lực cho doanh nghiệp

Không chỉ tăng cường quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải tạo động lực mới cho doanh nghiệp.

Cần thiết sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 tới có những sửa đổi, bổ sung có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cần tạo động lực cho doanh nghiệp (Ảnh: Khánh Linh)

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cần tạo động lực cho doanh nghiệp (Ảnh: Khánh Linh)

Thực tế cho thấy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành đã đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế; đồng thời, các điều khác của Luật đã lồng ghép các quy định, cam kết về minh bạch hóa, hoạt động thông báo, hỏi đáp về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp.

Tuy nhiên, các quy định này mới dừng ở mức độ cơ bản và phù hợp tại thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), khi quy mô hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế chưa sâu rộng như hiện nay.

Vì vậy, theo thông tin đưa ra rại Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, các ý kiến đều cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không còn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết mở hơn cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về tính công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, khu vực.

Chưa kể, theo VCCI, thời gian qua, cơ quan này đã nhận được khá nhiều ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về chất lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Điển hình như Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình; Quy chuẩn 20 về thép không gỉ, các quy chuẩn về hàng hóa lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin…

Các vấn đề được doanh nghiệp chỉ ra như quá trình soạn thảo và ban hành còn thiếu sự tham gia của doanh nghiệp. Có quy chuẩn ban hành rồi thì nhóm doanh nghiệp chịu tác động mới được biết. Có quy chuẩn thay đổi quá nhanh, đột ngột, không có quy định chuyển tiếp, không có lộ trình áp dụng, gây xáo trộn lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp. Có quy chuẩn ban hành xong mà không có đơn vị đánh giá sự phù hợp, hoặc có nhưng không đủ công suất, gây ách tắc hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều tháng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế VCCI, cho biết: Các doanh nghiệp nhận xét nội dung một số quy chuẩn hiện nay chưa rõ ràng, chưa thống nhất nên gây khó khăn khi áp dụng. Chẳng hạn quy chuẩn về an toàn cháy cho công trình hay quy chuẩn kỹ thuật kèm điều kiện đầu tư kinh doanh về thóc gạo… Hơn nữa, các tiêu chuẩn không tương thích với các cam kết quốc tế, với tiêu chuẩn quốc tế và nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp không thể sử dụng kết quả công bố sự phù hợp của nước ngoài mà phải thử nghiệm lại, tốn kém chi phí. Chẳng hạn như Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1651:2008 tiêu chuẩn thép xây dựng.

Doanh nghiệp kiến nghị làm rõ một số nội dung của dự thảo luật (Ảnh: Khánh Linh)

Doanh nghiệp kiến nghị làm rõ một số nội dung của dự thảo luật (Ảnh: Khánh Linh)

Xây dựng luật theo hướng nào?

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trong thời điểm này là vô cùng cần thiết, nó không chỉ khắc phục được những vấn đề tồn tại mà Luật hiện hành đang gặp phải mà còn mở ra không gian mới, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, dự thảo luật còn nhiều điều khoản cần làm rõ và cần có những giải pháp tiết giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong quá trình đánh giá, xác nhận tính hợp quy sản phẩm. Điển hình như Điều 3.2 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định mục đích ban hành quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật chưa có quy định phản hồi, tiếp thu, giải trình ý kiến của doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp có ý kiến nhưng không biết cơ quan tiếp nhận sẽ xử lý thế nào. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phản ánh về tính hợp lý trong quy định. Có tình trạng quy chuẩn đưa ra những nội dung vượt quá sự cần thiết, lạm dụng quy chuẩn thay vì tiêu chuẩn.

Góp ý xây dựng dự thảo luật, đại diện Công ty Canon Việt Nam cho rằng: Hiện nay Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 có quy định về việc tổ chức, cá nhân có quyền tham gia góp ý xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Điều 15). Tuy nhiên quy định chỉ quy định chung như vậy mà chưa cụ thể về việc báo cáo phản hồi. Việc góp ý, phản hồi về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về Biểu mẫu, quy trình, cơ quan tiếp nhận và phản hồi, thời gian phản hồi. Chưa có cơ quan tiếp nhận phản ánh và ý kiến đóng góp của công dân.

Do đó, theo đại diện Canon Việt Nam: Luật sửa đổi cần bổ sung quy định rõ ràng về thủ tục, trình tự tiếp nhận và trả kết quả nhằm để hướng dẫn rõ ràng cho tổ chức cá nhân thực hiện. Đồng thời, cần xây dựng một hệ thống tiếp nhận và trả lời góp ý, phản ánh một cách rõ ràng, cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện dễ dàng cho mọi cá nhân đều có thể tham gia xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, giúp các cơ quan có thẩm quyền nắm bắt được nhu cầu, ý kiến của cá nhân, tổ chức từ đó có điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Trên cơ sở đó, Canon Việt Nam đề xuất, tiếp tục kiến nghị xây dựng hệ thống tiếp nhận ý kiến, góp ý và phản hồi trực tuyến về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cần phải nâng cao khả năng quản lý của nhà nước, đồng thời tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-luat-tieu-chuan-va-quy-chuan-ky-thuat-can-tao-dong-luc-cho-doanh-nghiep-341379.html