Sửa Luật Trọng tài Thương mại để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế

NĐT đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm TTTM Luật gia Việt Nam - là thành viên tham gia ban soạn thảo Luật TTTM 10 năm trước.

NĐT: Thưa ông, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ý nghĩa như thế nào nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của các doanh nghiệp, doanh nhân, xin ông cho biết lý do cho ra đời Luật Trọng tài Thương mại?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, kinh doanh thương mại bằng phương thức trọng tài, hòa giải thương mại, được Đảng, Nhà nước ta khuyến khích. Bắt đầu từ Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định: “Khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng việc công nhận phán quyết đó”.

Văn bản quy phạm pháp luật chính thức về trọng tài thương mại ban đầu phải kể đến là Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003, trước đòi hỏi của thực tiễn trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì Luật Trọng tài thương mại ra đời.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, quy định của Luật TTTM làm tăng tính cạnh tranh trong hoạt động trọng tài.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, quy định của Luật TTTM làm tăng tính cạnh tranh trong hoạt động trọng tài.

NĐT: Hơn 10 năm thi hành Luật Trọng tài Thương mại, xin ông đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của Luật này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Từ khi có Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 đến nay trên toàn quốc có 165 người (không có trọng tài viên là người nước ngoài do hạn chế pháp lệnh trọng tài năm 2003).

Đến nay, thống kê cả nước có khoảng 700 trọng tài viên, trong đó có một số trọng tài viên là người nước ngoài.

Quy định của Luật Trọng tài Thương mại không chỉ bảo đảm quyền tự do lựa chọn các cơ đàm phán của các đơn vị tranh chấp mà còn tăng tính cạnh tranh trong hoạt động trọng tài(Cạnh tranh tức là nơi nào làm tốt nhất thì họ sẽ lựa chọn).

Trong 12 năm qua, số lượng trọng tài phát triển rất nhanh, hoạt động trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 74 Luật Trọng tài Thương mại có hai hình thức gồm: chi nhánh tổ chức trọng tài nước ngoài và văn phòng đại diện cho tổ chức trọng tài.

Mặc dù Việt Nam đã mở rộng trung tâm trọng tài nước ngoài được phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, nhưng cho đến nay mới có 1 tổ chức trọng tài nước ngoài thành lập có văn phòng đại diện tại Việt Nam, với sự công nhận cho thi hành tại Việt Nam thì Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã bổ sung một số điều luật để công nhận giá trị pháp lý của trọng tài.

Kết quả hoạt động từ năm 2011 đến năm 2020, các trung tâm trọng tài đã giải quyết gần 3.000 vụ tranh chấp, số vụ tranh chấp tăng lên chủ yếu phát sinh từ mua bán hàng hóa, có những tranh chấp về bất động sản, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng… những tranh chấp này rất đa dạng và tỉ lệ thuận với số lượt phát sinh xảy ra tại Việt Nam.

NĐT: Theo ông, chúng ta còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì trong Luật Trọng tài Thương mại, cần phải thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế?

Việc sửa đổi Luật lần này cần nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế (Ảnh minh họa).

Việc sửa đổi Luật lần này cần nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế (Ảnh minh họa).

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Luật Trọng tài Thương mại 2010 đã đạt được những kết quả rất khả quan, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập như:

Về thẩm quyền tranh chấp của trọng tài thương mại được quy định trong Bộ Luật Dân sự, Luật Hàng hải, Luật Đầu tư, Luật Thương mại… những quy định, phạm vi, thẩm quyền giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại được mở rộng theo thông lệ quốc tế.

Rõ ràng, khi mở rộng ra làm tăng số lượng tranh chấp lên, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (Điều 470) thì thẩm quyền riêng biệt của tòa án; những vụ việc dân sự có liên quan đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam với quy định này có quan điểm cho rằng phân định thẩm quyền riêng biệt của tòa án đối với không chỉ tòa án nước ngoài, cơ quan tài phán nước ngoài mà còn phân biệt thẩm quyền của trọng tài thương mại…

Có rất nhiều ý kiến khác nhau do việc phân định thẩm quyền của trọng tài là tòa án, do đó mới dẫn đến thực tế có một số vụ tranh chấp, cùng bản chất nhưng tòa án đã có những quyết định khác nhau.

Nên, việc Luật chuyên ngành không có quy định nhắc đến phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài gây hiểu lầm (nhầm là chỉ được sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp).

Trong thực tiễn, tương lai có những vụ tranh chấp về lao động, môi trường nếu có thỏa thuận của trọng tài để giải quyết thì nên tôn trọng thỏa thuận mà hai bên đã ký hay không? Đây là vấn đề cần nghiên cứu để hoàn thiện.

Thêm vào đó, còn một số vấn đề khác như: thỏa thuận về trọng tài, quyền và nghĩa vụ của trọng tài, các quy định phán quyết của trọng tài, mối quan hệ giữa tòa án đối với trọng tài, thời hiệu khởi kiện… nên cần sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại.

Bên cạnh đó, cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán, Tòa án Nhân dân Tối cao sớm ban hành việc công nhận cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, cũng như hướng dẫn thi hành một số điều trong Bộ Luật tố tụng Dân sự.

NĐT: Cá nhân ông có kỳ vọng gì trong việc sửa đổi Luật lần này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng, lần này chúng ta phải đánh giá một cách tổng thể việc tranh chấp về hợp đồng trọng tài, cần phân biệt trọng tài Việt Nam và nước ngoài trên tiêu chí lãnh thổ, xác định quốc tịch, phán quyết của trọng tài vấn đề liên quan đến việc công nhận cho thi hành phán quyết trọng tài ở nước ngoài tại Việt Nam theo công nước New York năm 1958 mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này cần nghiên cứu, hoàn thiện để làm sao xây dựng phù hợp với các thông lệ quốc tế.

NĐT: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sua-luat-trong-tai-thuong-mai-de-phu-hop-hon-voi-thong-le-quoc-te-a596196.html