Sửa Luật Viễn thông theo hướng 'xây mới' chứ không phải 'cơi nới'
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và chuyên gia.
Và từ những ý kiến đóng góp này cho thấy các quy định của Luật Viễn thông vẫn còn khá lỏng lẻo, cần được bổ sung nhiều vấn đề.
Viettel góp ý hơn 66 điều
Ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban công nghệ, Tập đoàn công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), cho biết ngành viễn thông cũng như hạ tầng viễn thông hiện tại đã thay đổi và chuyển dịch rất nhiều. Viettel ủng hộ Bộ TT-TT trong việc sửa đổi Luật Viễn thông năm 2009 để phù hợp với thực tiễn, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động lĩnh vực viễn thông.
Để làm được điều đó, theo ông Lê Bá Tân có rất nhiều điều cần phải thay đổi, sửa đổi. Viettel đã có bản nội dung góp ý chi tiết hơn 66 điều gửi về Cục Viễn thông. Thí dụ, đại diện Viettel đề nghị đưa vào Luật Viễn thông mới các quy định cụ thể về di động mặt đất, di động vệ tinh sử dụng các công nghệ 4G, 5G và các công nghệ thế hệ sau tại Việt Nam.
Đồng thời, các nguyên tắc, chỉ tiêu liên quan đến khái niệm như tốc độ tối thiểu quốc gia, (chẳng hạn quy định tốc độ 50 megabit trên giây với mạng 4G hay 100 megabit trên giây với mạng 5G, dịch vụ internet cố định băng rộng phải đảm bảo đạt được tốc độ tối thiểu 100 megabit trên giây) phải hướng đến mục tiêu cuối thập niên này 100% hộ gia đình ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận với internet cố định.
Hiện giá cước tại Việt Nam khá rẻ so với thế giới, nhưng vẫn còn tỷ lệ người dân chưa tiếp cận được dịch vụ. Viettel kiến nghị Luật Viễn thông mới cần quy định những nguyên tắc để sau này khi Cục Viễn thông xây dựng giá cước có thể xây dựng giá cước sàn, đảm bảo các doanh nghiệp sẽ không phá giá, đồng thời tạo ra cơ chế để người dân có thể được thụ hưởng giá cước cạnh tranh.
Viettel cũng đề nghị ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho cơ sở hạ tầng viễn thông, giao thông chiếu sáng để các vùng miền có thể tận dụng lại hạ tầng của nhau. Cùng với đó, đưa ra những nguyên tắc để chống độc quyền cung cấp dịch vụ tại các địa điểm như chung cư, tòa nhà cao tầng.
Hiện nay, với công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, an toàn thông tin bảo mật trở nên cực kỳ quan trọng. Vì vậy, Luật Viễn thông (sửa đổi) cần chi tiết hơn trong các quy định bảo vệ dữ liệu người dùng.
Ông PHẠM HUY HOÀNG, Phó Tổng giám đốc Công ty CNTT Tập đoàn Viễn thông VNPT
Về Quỹ viễn thông công ích phục vụ việc xây dựng các trạm viễn thông giá rẻ, Viettel đề nghị quỹ này còn cần cung cấp những thiết bị đầu cuối giá rẻ, máy tính bảng, smartphone cho các học sinh, sinh viên ở vùng sâu vùng xa để tăng điều kiện tiếp cận với những dịch vụ này.
Ông Tân cũng thông tin, Việt Nam đang tồn tại 5 loại công nghệ di động, có nghĩa nhiều công nghệ di động đang “xếp chồng lên nhau gây lãng phí, khoảng cách giữa công nghệ đầu tiên và công nghệ cuối cùng càng xa”. Vì thế cần điều chỉnh, khống chế ở mức 3 công nghệ di động.
Bên cạnh đó, cần những quy định để các bộ, ban ngành, doanh nghiệp nhà nước có cơ chế để thuê dịch vụ hạ tầng dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây đặt trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cần có cơ chế thúc đẩy để các doanh nghiệp như FPT, VNPT, Viettel… đầu tư hạ tầng điện toán đám mây, nhằm không phải đi làm thuê cho các Bigtech đang đặt máy chủ của họ trong nước ta.
Sửa toàn diện
TS. Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), lưu ý sửa Luật Viễn thông lần này trong bối cảnh hội tụ công nghệ vào các thiết bị đầu cuối. Thực tế, từ năm 2000 Việt Nam đã đi trước một bước so với khu vực về mặt công nghệ số, trong viễn thông và ứng dụng mạng viễn thông di động, khi lắp các tổng đài E10 của Siemens chuyển từ analog sang số.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay thiết bị đầu cuối vừa là điện thoại di động, vừa là internet, đồng thời kèm thêm cả các dịch vụ vui chơi giải trí, ứng dụng internet trong viễn thông (OTT) hay hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính và công nghệ số.
Hay ở góc độ khác, hiện Việt Nam đang nói đến 5G nhưng thế giới đã bắt đầu nghiên cứu 6G. Bởi việc hình thành 5G đã có sự cạnh tranh quyết liệt giữa 2 trung tâm công nghệ là Trung Quốc và Mỹ với châu Âu. Theo đó, các chỉ tiêu kỹ thuật của mạng 5G thiết bị đầu cuối do EU và Mỹ công bố, còn chỉ tiêu kỹ thuật đường truyền lại do Trung Quốc công bố. Hiện tại Mỹ muốn bỏ 5G để đi thẳng lên 6G vì không muốn phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc. Điều đó cho thấy xu hướng phát triển của công nghệ trong lĩnh vực viễn thông rất nhanh.
Vì thế, nếu không đặt các quy định của Luật Viễn thông vào cùng các luật liên quan như Luật Thương mại điện tử, Luật Giao dịch điện tử, Luật về Các tổ chức tín dụng, Luật Tần số vô tuyến điện, và cả một số điều của Luật Dân sự, sẽ cản trở sự phát triển thực tế của nền kinh tế và xã hội. Ông Kiên cho rằng lần này sửa Luật Viễn thông là sửa toàn diện, không phải sửa một số điều, nên đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cân nhắc, đánh giá tác động của Luật Viễn thông mới đối với các luật khác để đúng định hướng.
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng nêu lại câu chuyện Việt Nam chuyển số điện thoại di động từ đầu 091 của Vinaphone, 090 của Mobifone, 098 của Viettel. Theo đó, để đón đầu việc tăng số lượng thuê bao, các nhà mạng này đã tăng dãy số di động lên 12 số, nhưng sau đó phải quay lại 10 số như trước.
Bởi lẽ, vấn đề này liên quan đến việc phải thu hồi kho số và thu hồi các dải tần số internet. Theo ông Kiên, quy định thu hồi là chuyện tất yếu nhưng vấn đề luật sửa đổi phải làm rõ, nếu doanh nghiệp được giao kho số nhưng không triển khai, phải có trách nhiệm như thế nào.
Điểm quan trọng nữa cũng được TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, là xu thế thế giới hiện tại đang dùng chung dữ liệu cá nhân và dữ liệu của doanh nghiệp, trừ một số thông tin liên quan đến đời tư. Tức, các thông tin của người dùng trong dịch vụ điện tử, thanh toán số như xem khách hàng cư trú ở khu vực nào, thu nhập bao nhiêu, chi tiêu như thế nào, độ tuổi, tình trạng hôn nhân… là thông tin doanh nghiệp được phép dùng chung để phân tích thị trường.
Chính vì vậy, quản lý nhà nước lúc này phải cân nhắc giữa phần chọn cho hoặc chọn bỏ trong phương pháp làm luật, để hài hòa giữa quyền lợi của cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người dùng với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó.