Sữa Mộc Châu: Cổ đông thống nhất kế hoạch chào bán cổ phần trị giá 1.200 tỷ đồng cho Vinamilk và GTN, nới room ngoại và niêm yết HoSE
Tổng số tiền dự kiến thu được từ 3 đợt phát hành trên tính theo giá chào bán là gần 1.250 tỷ đồng. Kết hợp với nguồn vốn hiện có cũng như huy động thêm, Sữa Mộc Châu dự chi khoảng 1.600 tỷ đồng cho các dự án phát triển bao gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.
CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu (Sữa Mộc Châu) đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, phương án niêm yết cổ phiếu trên HoSE và các nội dung khác.
Chi tiết, cổ đông thông qua phương án phát hành tổng cộng 43,2 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên mức dự kiến 1.100 tỷ đồng. Trong đó, số lượng phát hành cho cổ đông hiện hữu 3,34 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thực hiện 100:5 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 5 cổ phiếu mới), giá chào bán là 20.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự thu gần 67 tỷ đồng, trường hợp cổ đông không mua hết sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Gần 39,2 triệu cổ phiếu còn lại sẽ phát hành cho nhà đầu tư chiến lược với giá 30.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự tính thu về theo giá chào bán là 1.176 tỷ đồng. Danh sách nhà đầu tư chiến lược bao gồm Vinamilk (HoSE: VNM) và GTNFoods (HoSE: GTN). Lượng cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Cuối cùng, Công ty cũng sẽ phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với khối lượng dự kiến 668.000 cổ phiếu. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về 6,7 tỷ đồng. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ 3 đợt phát hành trên tính theo giá chào bán là gần 1.250 tỷ đồng. Kết hợp với nguồn vốn hiện có cũng như huy động thêm, Công ty dự chi khoảng 1.600 tỷ đồng cho các dự án phát triển bao gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.
Cổ đông Sữa Mộc Châu cũng thống nhất bỏ một số ngành nghề kinh doanh như dịch vụ chăn nuôi thú ý, bán lẻ hàng hóa lưu động, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, bán buôn vật liệu, xây dựng nhà để ở, tổ chức tua du lịch… nhằm đáp ứng điều kiện cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần.
Mặt khác, Công ty cũng đã thông qua kế hoạch lưu ký và niêm yết cổ phiếu Sữa Mộc Châu tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), ủy quyền cho HĐQT và người đại diện theo pháp luật thực hiện các thủ tục cần thiết để lưu ký và niêm yết cổ phiếu trong không quá 9 tháng kể từ khi vấn đề này được thông qua.