Sữa Mộc Châu: Doanh thu mỗi ngày gần 9 tỷ, chạy đà hoàn hảo trước khi lên HOSE
Sau hơn 3 năm về tay Vinamilk, kết quả kinh doanh của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (mã: MCM) đã có nhiều khởi sắc.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa công bố, Sữa Mộc Châu ghi nhận 795 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cải thiện lên 33%, giúp lãi gộp đạt 262 tỷ đồng, tăng 3%.
Không chỉ cải thiện hoạt động cốt lõi, doanh thu tài chính còn tăng mạnh 69% lên gần 43 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi và lợi nhuận đầu tư ứng vốn. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ ngốn hơn 300 triệu đồng, còn chiếm nhiều nhất là chi phí bán hàng hơn 200 tỷ đồng, tăng 11%.
Sau cùng, lãi sau thuế quý IV/2023 của MCM đạt hơn 85 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Dù vậy, đây là quý có lãi thấp nhất trong năm 2023 của công ty này.
Lũy kế cả năm 2023, MCM ghi nhận doanh thu thuần đi ngang ở mức hơn 3.154 tỷ đồng và lãi sau thuế 374 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày thu về hơn 8,6 tỷ đồng và lãi 1 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp sữa này kể từ khi niêm yết.
So với kế hoạch đề ra, công ty mới thực hiện hơn 91% mục tiêu doanh thu nhưng đã vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận năm (364 tỷ đồng).
Trước đó, vào tháng 10/2023, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết 110 triệu cổ phiếu MCM trên sàn HOSE, tương ứng vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng và đơn vị tư vấn niêm yết là Chứng khoán BIDV. Kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 công ty thông qua vào cuối tháng 4/2023.
Cho năm 2024 và thời gian tới, chuyên gia từ VNDirect dự báo tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ của MCM vào năm 2024 sẽ tăng tốc sau khi đi ngang trong năm 2023 nhưng chậm hơn CAGR trong giai đoạn 2020-2022 khi nhu cầu sữa của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức thấp vào đầu năm 2024 do những bất ổn trên thị trường lao động và sự phục hồi kinh tế chậm.
VNDirect kỳ vọng ngành sữa sẽ phục hồi trong trung hạn với CAGR tổng doanh số bán lẻ sữa của Việt Nam đạt 6% trong giai đoạn 2023-2028 nhờ tăng trưởng thu nhập bình quân và mức tiêu thụ sữa trên đầu người tại Việt Nam còn thấp.Theo MCM, dự án “Khu phức hợp Thiên đường sữa Mộc Châu” sẽ nâng công suất chế biến hiện tại thêm 150% và tăng đàn bò sữa thêm 275% vào năm 2025. Sự mở rộng này được dự báo sẽ hỗ trợ MCM hưởng lợi từ triển vọng thị trường thuận lợi hơn trong trung hạn.
Mộc Châu Milk thành lập năm 1958. Đầu năm 2020, MCM chính thức về tay CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua GTNFoods (đã sáp nhập vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam). Cũng trong năm 2020, MCM chính thức giao dịch trên UPCoM. Hiện, Tổng Giám đốc Vinamilk - bà Mai Kiều Liên đang là Chủ tịch HĐQT MCM.
Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của MCM tại cuối năm 2023 tăng 6% so với đầu năm, đạt hơn 2.600 tỷ đồng. Chiếm hơn 57% tổng tài sản là khoản tiền và tiền gửi có kỳ hạn với gần 1.500 tỷ đồng. Nhờ nguồn tiền gửi chiếm phần lớn tài sản, khoản lãi tiền gửi năm 2023 mang về cho MCM hơn 155 tỷ đồng.
Trong số gần 280 tỷ nợ phải trả, công ty không ghi nhận nợ vay tài chính, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn và chi phí phải trả ngắn hạn.
Công ty sữa chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2005. Khi mới cổ phần hóa, MCM có vốn điều lệ vỏn vẹn 7,1 tỷ đồng. Các năm sau đó, công ty liên tiếp tăng vốn điều lệ, đến tháng 11/2015, vốn điều lệ của Mộc Châu Milk ghi nhận đạt 568 tỷ đồng, gấp hơn 80 lần so với năm 2005. Đến hết năm 2023, vốn điều lệ đã tăng lên 1.100 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hết năm 2023 tăng 80 tỷ so với đầu năm, lên 261 tỷ đồng.