Sửa Nghị định 24 cần tháo được 'nút thắt' nguồn cung vàng

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để giải quyết được chênh lệch giá vàng hiện nay phải tháo gỡ được 'nút thắt' nguồn cung.

Trước biến động giá vàng và mức chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý giá vàng hiệu quả trong tình hình mới. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để giải quyết được chênh lệch giá vàng hiện nay phải tháo gỡ được “nút thắt” nguồn cung.

Mở nguồn cung vàng

Ông Trần Duy Phương, một chuyên gia vàng cho rằng, sau hơn 10 năm Nghị định 24 ra đời, Nhà nước đã đạt được mục tiêu chống lại tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.

Vàng miếng thương hiệu quốc gia được nhiều người dân ưa chuộng mua (Ảnh: Lệ Hằng).

Vàng miếng thương hiệu quốc gia được nhiều người dân ưa chuộng mua (Ảnh: Lệ Hằng).

Tuy nhiên, thị trường vàng phát sinh vấn đề mới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, nhất là vàng miếng SJC. Để giải quyết được tình trạng này thì phải tháo được "nút thắt" nguồn cung vàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để cung cấp cho thị trường sản xuất nữ trang, nhẫn và vàng miếng.

Theo ông Duy Phương, Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra nhập vàng nguyên liệu về cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước hoặc cấp hạn mức cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Ông Duy Phương cho rằng: “Chúng ta sửa đổi Nghị định 24 nếu không có giải quyết vấn đề cho nhập khẩu vàng nguyên liệu thì tất cả các biện pháp khác thì chỉ là trấn an tinh thần, chứ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của thị trường hiện nay. Nếu không cho nhập vàng nguyên liệu mà để thị trường định đoạt giá thì doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vàng ở ngoài và gom đô la để nhập vàng thì sẽ gây áp lực lên tỷ giá”.

Điều tiết thị trường vàng bằng công cụ

Phó giáo sư -Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính thì cho rằng, Nghị định 24 vẫn nên tiếp tục duy trì thị trường vàng có sự quản lý đặc biệt của Nhà nước.

Những điểm cần sớm thay đổi, đầu tiên phải là vấn đề độc quyền vàng miếng SJC và tăng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, vàng là ngành kinh doanh có điều kiện, nên chỉ có những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được nhập khẩu.

Người dân có thói quen mua vàng tích trữ khi kinh tế biến động, lạm phát ... (Ảnh: Lệ Hằng)

Người dân có thói quen mua vàng tích trữ khi kinh tế biến động, lạm phát ... (Ảnh: Lệ Hằng)

Đồng thời, không thể để nhập khẩu tự do mà cần có hạn mức nhập khẩu vàng. Vấn đề là hạn mức đó được quyết định dựa trên những yếu tố kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, tiết kiệm, tỷ giá, lạm phát… thế nào và theo chu kỳ, thời gian ra sao?

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, Nghị định 24 sửa đổi theo hướng giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới, bằng cách khơi thông nguồn vàng nhập khẩu, phải mở chứ không “thắt lại” như trước nay.

Đồng thời, Nhà nước nên cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện được tham gia làm vàng miếng, không nên tạo sự độc quyền 1 thương hiệu vàng miếng; cần tạo “sân chơi” và có cơ chế để quản lý thị trường này. Khi Nhà nước “mở” nguồn cung mà thị trường vẫn biến động nhiều thì sẽ can thiệp, điều tiết thị trường khi bằng công cụ của mình.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho biết: “Nếu cung khan hiếm thì Nhà nước sẽ sử dụng công cụ dự trữ, mình sẽ tung nguồn vàng dự trữ đó ra, thị trường sẽ bình ổn trở lại. Còn thị trường thừa vàng thì Nhà nước sẽ mua vào, mình tạo cơ chế để điều tiết chứ không hạn chế cung cầu. Mình tạo luật chơi, doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì nhập khẩu vàng, sản xuất vàng miếng, hoặc có thể xây dựng 1 thương hiệu vàng khác”.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/sua-nghi-dinh-24-can-thao-duoc-nut-that-nguon-cung-vang-post1080548.vov