Sửa nghị định kinh doanh xăng dầu phải sát thực tiễn

Việc khẩn trương rà soát, xây dựng một nghị định kinh doanh mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng, dầu trước đó là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường xăng, dầu trong nước còn tồn tại nhiều bất cập, kéo theo những hệ lụy trong suốt thời gian dài.

Tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 80) về kinh doanh xăng dầu được ban hành, cùng với một số điều chỉnh về công thức tính giá, bãi bỏ loại hình tổng đại lý, thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu... đã giải quyết được một số khúc mắc trong hoạt động kinh doanh mặt hàng chiến lược này.

Kinh doanh xăng, dầu đang được quản lý bằng 3 nghị định, gồm: Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80. Ảnh minh họa

Kinh doanh xăng, dầu đang được quản lý bằng 3 nghị định, gồm: Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Nghị định 80 vừa mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh sửa đổi một số điểm, chưa khắc phục hết được các bất cập, tồn tại hiện nay của thị trường xăng dầu. Về lâu dài, cần xây dựng nghị định mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Nghị định mới cần được tiếp cận theo hướng cho phép hoạt động kinh doanh xăng dầu tiệm cận thực sự với giá thị trường thế giới. Muốn thực sự tiệm cận giá thị trường thế giới thì nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần bãi bỏ những điều kiện về kinh doanh xăng dầu mang tính chất hành chính, cũng như thể hiện rõ vai trò của quản lý Nhà nước” – ông Bùi Ngọc Bảo đề xuất.

Tính đến thời điểm này, kinh doanh xăng, dầu được quản lý bằng 3 nghị định, bao gồm: Nghị định 83 (ban hành năm 2014), Nghị định 95 (ban hành năm 2021) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và Nghị định 80 (ban hành năm 2022) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và 95. Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng, dầu, trình Chính phủ trong quý II/2024.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng kiến nghị, việc soạn thảo nghị định mới cần đề cao sự cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, giải quyết bài toán cạnh tranh và thị trường, bởi đây là vấn đề nội tại giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ chưa có giải pháp thỏa đáng từ trước đến nay.

Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nghị định mới cần cân nhắc bãi bỏ những quy định về việc Nhà nước công bố các chỉ tiêu tính giá để doanh nghiệp thực hiện. Thay vào đó, Nhà nước điều tiết giá chủ yếu bằng giải pháp điều hòa cung cầu, thuế, phí và các biện pháp tài chính, tiền tệ khác.

Cùng với đó, đổi mới quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xăng dầu, bảo đảm tuân thủ đúng Luật Giá. Khi thị trường biến động ở mức cụ thể bao nhiêu thì Nhà nước cần công bố công khai áp dụng biện pháp, thời hạn và phạm vi bình ổn giá.

Nâng chất lượng doanh nghiệp xăng dầu

Thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa lường hết được những biến động của thị trường. Do vậy, khi soạn thảo nghị định mới cần khắc phục những bất cập của nghị định cũ, giải quyết căn bản những tồn tại của thị trường.

Tinh gọn đầu mối quản lý, nâng chất lượng doanh nghiệp xăng dầu là những biện pháp được nhiều chuyện gia khuyến nghị. Ảnh minh họa

Tinh gọn đầu mối quản lý, nâng chất lượng doanh nghiệp xăng dầu là những biện pháp được nhiều chuyện gia khuyến nghị. Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu đầu tiên là quy định cơ quan quản lý phải thống nhất một đầu mối là Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương có thẩm quyền, trách nhiệm điều hành, quản lý thị trường kinh doanh xăng dầu, giá cả, bình ổn giá, dự trữ xăng dầu và xử lý các vi phạm…

Quan tâm về vấn đề quản lý Quỹ bình ổn giá, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu mối trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích trong suốt thời gian dài nhưng không bị phát giác. Việc thu hồi tồn dư quỹ từ các doanh nghiệp sai phạm cũng vô cùng gian nan. Do vậy, cần ban hành sớm dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu mới thay thế các nghị định cũ.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nghị định mới cần xác định quan điểm kiên trì vận hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước. Để làm được điều này, nội dung cần được sửa đổi theo các nhóm vấn đề như điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, phải căn cứ vào năng lực thực sự của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng trưởng nóng về số lượng nhưng yếu về chất; ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong cấp phép.

Bên cạnh đó, nghị định mới cần bổ sung những quy định về các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng theo các tiêu chí về vốn sở hữu, kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng. Đặc biệt là bãi bỏ toàn bộ các quy định hiện hành 17 năm nay không thay đổi về cấp phép thuê kho, bể chứa, hệ thống phân phối cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận tải...

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-phai-sat-thuc-tien.html