Sửa nhịp lỗi để hồi sinh trái tim non
Ngắm con ngủ say, tiếng thở của bé đều đặn, không ngắt quãng, khó nhọc như trước khiến chị Xa Thị Kim Huệ cảm thấy an tâm. Niềm hạnh phúc này chỉ cách đây không lâu chị Huệ không dám nghĩ tới.
Chị Xa Thị Kim Huệ (32 tuổi, ở buôn Bling, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) khi mang thai ở tuần thứ 22, trong lần đi siêu âm ở một phòng khám tư tại huyện Cư Mgar, bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị mắc bệnh tim. Tuy nhiên, do bác sĩ siêu âm không giải thích nhiều, nên vợ chồng chị không mường tượng mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Sau đó, vợ chồng chị lên TPHCM khám lại. Các bác sĩ ở một bệnh viện chuyên ngành tim mạch kết luận thai nhi mắc tim bẩm sinh, thông liên thất và không có lỗ van động mạch phổi. Chị được chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ theo dõi trước sinh càng khiến cả gia đình vô cùng hoang mang. Trước ngày chị lâm bồn, các bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Từ Dũ và bác sĩ tim mạch đã có hội chẩn và đưa ra quyết định, trẻ chào đời sẽ đưa sang Bệnh viện Nhi đồng II để can thiệp cấp cứu kịp thời.
Chị Huệ bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc con chào đời. Lúc đó, căn phòng im ắng, không tiếng khóc của trẻ thơ, thay vào đó là tiếng khóc của người mẹ. Vừa chào đời, con chị Huệ đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ chuyển sang phòng can thiệp tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng II để can thiệp tim mạch. Nhưng nếu không can thiệp kịp thời, bé không thể sống được. Sau 3 ngày theo dõi, trẻ được can thiệp đặt stent. Điều này đã giúp con chị Huệ thở được, bú được sữa và bắt đầu cất tiếng khóc đầu tiên. Tuy nhiên, việc đặt stent chỉ là giải pháp tạm thời giúp cải thiện sức khỏe, chứ chưa giải quyết tận gốc căn bệnh của trẻ.
Sự hồi sinh kỳ diệu
Sau khi con xuất viện, chị Huệ lên mạng tìm hiểu kỹ về căn bệnh tim bẩm sinh quái ác mà con mình mắc phải. Chị đã kết nối với TS.BS Đỗ Anh Tiến, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E Trung ương. Các bác sĩ sau khi phân tích thông tim bệnh tình của cháu, đã khuyên gia đình đưa con đi phẫu thuật sớm để có thể sửa được toàn bộ, vì căn bệnh này để càng muộn thì nguy cơ sửa toàn bộ lỗi ở tim sẽ khó hơn và nguy cơ biến chứng, tử vong càng cao.
Muốn điều trị cho con sớm nhưng gia cảnh chị Huệ khó khăn. Thu nhập của gia đình trông vào đồng lương làm kế toán của chị ở một công ty nhỏ, chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng nhưng chị đã bị nghỉ việc do dịch bệnh. Chồng chị làm nghề sửa xe, thì thu nhập không ổn định. Số tiền điều trị sau khi con sinh, anh chị vẫn chưa trả nợ hết... Vì thế, gia đình vẫn lưỡng lự, trong khi bệnh tình của con ngày một nặng.
TS.BS Đỗ Anh Tiến đã hội chẩn và xin ý kiến GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E về ca bệnh của trẻ. Nếu gia đình đồng ý đưa con ra Bệnh viện E chữa bệnh, Bệnh viện sẽ kêu gọi hỗ trợ từ thiện. Vì thế, gia đình chị Huệ vay mượn được 10 triệu đồng "khăn gói" từ Đắk Lắk ra Hà Nội chữa bệnh cho con.
Khi đến Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, vợ chồng chị Huệ được hỗ trợ việc nhập viện cho con, ăn ở và sinh hoạt. TS.BS Đỗ Anh Tiến chia sẻ: Trẻ nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở, gầy gò, suy dinh dưỡng, quấy khóc, bỏ bú. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, hẹp khít gốc động mạch phổi trái, teo phổi có thông liên thất, đã can thiệp đặt stent ống động mạch. Tuy nhiên, do stent đặt đã bị trôi khỏi vị trí ban đầu, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật gỡ bỏ stent ống động mạch. Do mức kinh phí ca mổ dự kiến rất cao nhưng GS.TS Lê Ngọc Thành (Giám đốc Bệnh viện E) vẫn quyết định mổ cứu sống trẻ, sau đó kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ cho bệnh nhi sau.
"Tình trạng của trẻ có thể tiến hành sửa toàn bộ nên chúng tôi quyết định thực hiện ngay, nếu để lâu sẽ xuất hiện tuần hoàn bàng hệ (tuần hoàn phụ) và hai nhánh động mạch phổi không phát triển nữa. Cái khó của ca phẫu thuật này, chúng tôi xác định, đây lại bệnh tim bẩm sinh phức tạp, đã từng đặt stent ống động mạch, nhưng stent đó đã chui vào nhánh động mạch phổi bên phải. Các bác sĩ phải tiến hành gỡ stent cũ và tạo hình chạc ba động mạch phổi (do chạc ba động mạch phổi của trẻ quá nhỏ), khi thực hiện tránh không bị rách là vấn đề lớn, cần quan tâm, chú ý", TS Tiến chia sẻ.
Ca mổ diễn ra thuận lợi, sau 5 giờ phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và được đưa về khoa Hồi sức tích cực ngoại tim mạch. Sau 7 ngày, sức khỏe trẻ ổn định, hết khó thở, tím tái, kết quả siêu âm tốt, bệnh tim được giải quyết triệt để và tăng được 0,5kg... Trước khi bệnh nhân nhi xuất viện, GS.TS Lê Ngọc Thành đã thăm khám trực tiếp cho bệnh nhi và dặn dò gia đình cẩn thận về bệnh tình của con. GS Thành đã trích một phần lương của mình để hỗ trợ kinh phí đi lại cho gia đình bệnh nhân từ Đắk Lắk ra Hà Nội và ngược lại. Cảm động trước tấm lòng của Bệnh viện E, cả gia đình chị Huệ cứ nghẹn ngào nói lời cảm ơn những thiên thần áo trắng đã sinh ra con mình thêm lần nữa.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/sua-nhip-loi-de-hoi-sinh-trai-tim-non-20210811155503629.htm