Sửa nội quy để tăng cường tính minh bạch, công khai, tương tác thường xuyên với cử tri

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Sáng 23-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15-11-2022 của Quốc hội ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội.

Nêu rõ một số điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng so với hiện hành, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến, kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

 Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại phiên họp

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, định hướng chung của nội quy sửa đổi lần này là tăng cường tính minh bạch, công khai; tăng cường các phiên họp có truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi dễ dàng; công khai các biên bản thảo luận cho đại biểu Quốc hội.

“Làm sao tới đây Quốc hội tăng cường tương tác với cử tri thường xuyên, không phải đợi đến mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội mới tiếp xúc cử tri. Cùng với đó, phải đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của đại biểu Quốc hội trong hoạt động nghị trường, đảm bảo sự có mặt đầy đủ, tham gia nghiêm túc, có trách nhiệm của mỗi đại biểu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, nội quy là quy định khung, nhưng công tác điều hành cũng linh hoạt, tùy tình hình thực tế chứ không thể cầu toàn, tuyệt đối. “Ví dụ thời gian phát biểu của mỗi đại biểu là 7 phút, nhưng chủ tọa có thể giới hạn trong 5 phút”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Liên quan đến quy trình nhân sự tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhất trí giữ nguyên như hiện hành về bầu, phê chuẩn chức danh nhà nước.

“Việc này phải tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của Đảng. Ở đây là quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sua-noi-quy-de-tang-cuong-tinh-minh-bach-cong-khai-tuong-tac-thuong-xuyen-voi-cu-tri-post792027.html