Sửa quy định để kinh doanh xăng dầu mang tính thị trường

Chia sẻ tại Tọa đàm: 'Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả' diễn ra ngày 30/7, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, Việt Nam có 3 công cụ chủ yếu để điều tiết và bình ổn thị trường xăng dầu: Thông qua giá cơ sở, công cụ về thuế (ví dụ giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế môi trường) và trích lập quỹ bình ổn. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu.

Chưa thực sự theo sát thị trường

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế là mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới, đặc biệt là vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, với công cụ về thuế hay sử dụng công cụ trích quỹ bình ổn, thực chất là dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để bình ổn giá chứ chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường. Chính từ đó dẫn đến tình trạng chính sách này mang tính chất cào bằng: Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tốt và kinh doanh kém bán hàng cùng giá, không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.

“Nếu chúng ta để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt để có giá hợp lý mà không chịu giá chung, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt. Đấy là một trong những vấn đề cần phải khắc phục”, ông Cường gợi mở thảo luận.

Cần đưa công cụ phái sinh vào kinh doanh xăng dầu

Cần đưa công cụ phái sinh vào kinh doanh xăng dầu

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo thì cho rằng, nút thắt trong thời gian vừa qua cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. “Việc cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá là làm thay cho doanh nghiệp. Cần phải có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường thì để các doanh nghiệp quyết định”, ông Bảo góp ý kiến.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đối với quản lý Nhà nước, hai mục tiêu lớn nhất là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung, cùng với đó là bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để khi thị trường thế giới biến động mạnh thì sử dụng chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để cho thị trường vận hành. Bởi khi có cạnh tranh thì xu hướng là luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi.

Theo ông Hoàng Văn Cường, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào việc thay đổi cơ chế, nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường cạnh tranh. Nhà nước không can thiệp nhưng có công cụ để điều tiết trong trường hợp nếu doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao. “Ở đây có hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập, chúng ta có thể dùng để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thay vì khống chế lượng bán để tăng giá”, ông Cường bổ sung ý kiến.

Cần quy định về nghiệp vụ phái sinh

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, để bình ổn giá xăng dầu, công cụ thị trường phải đi trước, công cụ hành chính chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Đối với công cụ thị trường về xăng dầu trên thế giới hiện nay, chủ yếu là công cụ phái sinh. Do đó, trong nghị định mới tới đây, cần đưa đủ nội hàm, quy định và cách hiểu về các sản phẩm phái sinh về xăng dầu để chúng ta thông về mặt tư tưởng, cách hiểu, quan điểm quản lý với sản phẩm phái sinh xăng dầu, để làm sao cho các doanh nghiệp có nền tảng pháp lý rõ ràng, đặc biệt an toàn để sử dụng các nghiệp vụ phái sinh cho việc bình ổn chi phí hoạt động của mình, tránh những rủi ro không đáng có với doanh nghiệp và các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp…

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, hầu như tất cả các công ty xăng dầu trên thế giới đều sử dụng công cụ phái sinh. “Tại sao một công cụ phổ biến hiện nay mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều sử dụng để phòng ngừa rủi ro mà trong Nghị định 95 chưa đưa vào. Đây là một thiếu sót và nghị định mới tới đây cần bổ sung công cụ này, cho phép doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, ông Long nói.

Nhấn mạnh công cụ phái sinh sẽ giúp ích nhiều cho việc bình ổn chi phí xăng dầu nếu được sử dụng một cách hiệu quả, ông Hoàng Văn Cường đề xuất: “Tôi cho rằng chúng ta cũng phải tiến tới việc tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh này để bình ổn. Bên cạnh đó, phải có nguồn lực dự trữ quốc gia, phải có thị trường để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt”.

Chia sẻ với các ý kiến trên, song Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cảnh báo một “điểm nghẽn” đối với việc áp dụng công cụ phái sinh xăng dầu, đó là hiện quy định còn thiếu đồng bộ khi những hoạt động về phái sinh không được hạch toán vào chi phí bảo hiểm của xăng dầu mà cho đây là hoạt động về đầu tư tài chính. Thực tế tất cả các doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đều làm nghiệp vụ phái sinh, nhưng nếu sử dụng nghiệp vụ này ở Việt Nam, nếu đúng thì không sao nhưng nếu lỗ thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Từ những phân tích trên, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đánh giá, rà soát lại và xây dựng mới nghị định thay thế những tồn tại trong Nghị định 83, Nghị định 95… trong thời gian vừa qua là hết sức đúng đắn.

Đỗ Phạm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sua-quy-dinh-de-kinh-doanh-xang-dau-mang-tinh-thi-truong-154106.html