Sửa sao cho xuể?
Thông tin mới nhất từ Vụ Giáo dục Tiểu học- Bộ GDĐT cho hay, những chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều được đưa ra xin ý kiến giáo viên sử dụng SGK, các nhà khoa học và xã hội đến hết ngày 20/11.
Hội đồng Thẩm định sẽ làm việc ngày 21/11 để thẩm định lần cuối sau khi có ý kiến góp ý về dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung. Trước ngày 30/11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu cho học sinh.
Nhưng theo phân tích của không ít chuyên gia, sau khi đọc nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều được công bố trên mạng, họ vẫn chưa thể yên tâm, thậm chí không chấp nhận được. GS Nguyễn Lân Dũng nhận định không chỉ SGK Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của bộ sách Cánh Diều mà cả tập 2 của sách này cũng có nhiều “sạn”.
Còn PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông- nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG Hà Nội) nhận định, những sai sót trong sách không thể coi là “sạn” mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt, ngữ liệu của các bài đọc cũng ngô nghê, phương pháp học âm vần gán ghép các từ ngữ rất tùy tiện…
Chính vì thế, PGS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng nếu muốn dùng SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá. Ngoài ra, vì cơ sở khoa học để biên soạn sách này không xuất phát từ chuẩn mực khoa học, không đạt yêu cầu nên bây giờ có đưa ngữ liệu nào vào xử lý cũng không hoàn thiện.
GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ sự nuối tiếc: Lẽ ra sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều phải được đưa lên mạng ngay từ đầu để xin ý kiến của giáo viên, phụ huynh, dư luận…
Như thế thật tiếc, bởi việc biên soạn SGK vừa rồi đã bị làm theo một qui trình ngược. Đó là các khâu thẩm định, thực nghiệm…đều có vẻ như vội vàng. Vẫn biết trước đây, các SGK của chúng ta khi tái bản lần 1, lần 2, lần 3... đều có chỉnh sửa, bổ sung chứ không thể nào hoàn chỉnh được. Nhưng việc triển khai chương trình GDPT mới, biên soạn SGK mới là một quá trình, có thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị. Nếu đổ lỗi tất cả tại Covid- 19 đã thỏa đáng hay chưa?
Thời điểm này, SGK lớp 2 và lớp 6 đã trong quá trình thẩm định vòng 2 để chuẩn bị đưa vào giảng dạy trong năm học 2021-2022. Từ bài học kinh nghiệm sửa sai của SGK lớp 1, nhiều chuyên gia giáo dục phân tích, việc thực nghiệm hai bộ SGK lớp 2 và lớp 6 đáng lẽ phải làm ngay từ khi chuẩn bị áp dụng SGK lớp 1. Nếu có một quá trình thực nghiệm cẩn trọng, nghiêm túc thì sẽ không mắc phải những sai sót như trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thời gian vừa qua.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sua-sao-cho-xue-524064.html