Sửa thông tư để xử lý triệt để nạn cướp chó

Theo chuyên gia, có thể xử lý hình sự những kẻ cướp chó trong thời gian gần đây.

Trên các số trước, Pháp Luật TP.HCM phản ánh những kẻ trộm chó ở vùng ven TP.HCM rất manh động, sẵn sàng chống trả người dân bằng hung khí nguy hiểm.

Chúng tôi đã trao đổi với công an phụ trách tội phạm về trật tự xã hội, các chuyên gia... ngoài các khuyến cáo thì họ còn cho rằng những kẻ trộm chó manh động có thể xem xét xử lý ở các tội danh như cướp, cướp giật... mà không cần phải định giá con chó bị trộm.

Anh H (ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) bị xịt hơi cay, bắn chĩa điện trúng người phải vào bệnh viện. Ảnh: NT

Anh H (ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) bị xịt hơi cay, bắn chĩa điện trúng người phải vào bệnh viện. Ảnh: NT

Có thể xử lý tội cướp tài sản

Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, hiện nay, cơ sở để phân biệt dấu hiệu “hành hung để tẩu thoát” trong các tội trộm cắp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt tài sản với trường hợp chuyển hóa sang tội cướp tài sản được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 02/2001 (về việc áp dụng các quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999).

Theo đó, tại Mục 6 của Thông tư 02/2001 quy định: Khi áp dụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” cần chú ý là người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.

Trường hợp nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.

Về trường hợp dùng súng điện bắn chết con chó rồi tấn công chủ, lấy xác chó, theo TS Tuấn, đây là trường hợp dùng vũ lực để lấy xác chó (nhằm chiếm đoạt tài sản) nên đã cấu thành tội cướp tài sản, theo Điều 168 BLHS.

“Các vụ việc còn lại cũng tương tự, hoàn toàn có thể bị xử lý về tội cướp tài sản nếu đủ các yếu tố cấu thành, căn cứ vào các quy định đã viện dẫn” - TS Tuấn nêu quan điểm.

Rạng sáng 10-11, hai thanh niên chở bao tải đựng chó trên đường Hương Lộ 2 (quận Bình Tân) tấn công người truy đuổi bằng ớt bột, hơi cay. (Ảnh cắt từ clip)

Rạng sáng 10-11, hai thanh niên chở bao tải đựng chó trên đường Hương Lộ 2 (quận Bình Tân) tấn công người truy đuổi bằng ớt bột, hơi cay. (Ảnh cắt từ clip)

Cần sửa quy định của Thông tư 02/2001

Cụ thể hơn, TS Tuấn phân tích: Để phân biệt tội cướp tài sản với các trường hợp hành hung để tẩu thoát trong tội trộm cắp tài sản (trộm chó) cần lưu ý: Nếu người trộm chó có hành vi dùng vũ lực để giữ bằng được chó hoặc xác chó (nhằm chiếm đoạt tài sản), kể cả nếu có hai mục đích vừa để chiếm đoạt vừa để tẩu thoát thì sẽ bị xử lý về tội cướp tài sản.

Ngay cả trong trường hợp người thực hiện hành vi trộm chó đã chiếm đoạt được tài sản mà có hành vi dùng vũ lực (để giữ cho bằng được tài sản mà mình đã chiếm đoạt) thì đã có dấu hiệu của tội cướp tài sản - không phụ thuộc vào việc “đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại” hay không, như Thông tư 02/2001 quy định.

Do đó, cần chỉnh sửa Mục 6.2 của thông tư về trường hợp chuyển hóa sang tội cướp cho phù hợp với lý luận, quy định của Điều 168 BLHS và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống các hành vi chiếm đoạt tài sản mà có sử dụng đến vũ lực.

Cảnh sát ráo riết các biện pháp ngăn ngừa

Theo lãnh đạo một đội nghiệp vụ thuộc Công an quận Bình Tân, thời gian qua, đơn vị tập trung truy xét, phòng ngừa các loại tội phạm, trong đó có trộm chó.

Những kẻ trộm chó thường sử dụng nỏ điện tự chế, ớt bột, bình xịt hơi cay để tấn công, chống trả người dân khi bị phát hiện, truy đuổi và các biện pháp phối hợp với các tổ tự quản, người dân… để trấn áp chưa thực sự phát huy tác dụng, mà chỉ có lực lượng trực tiếp chiến đấu mới có thể khống chế được loại tội phạm này.

Khi bị trộm chó, người dân nên trình báo, cung cấp các hình ảnh từ camera an ninh về nhân dạng, phương tiện giúp công an truy xét chứ không nên truy bắt, rất nguy hiểm.

Còn một lãnh đạo đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho hay: Trách nhiệm của công an là bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân, trong đó có vật nuôi. Công an luôn đấu tranh với các băng, nhóm trộm chó trên địa bàn và công an khuyến cáo người dân cẩn trọng khi truy bắt kẻ trộm chó vì bọn chúng rất manh động, sử dụng súng bắn điện, nỏ, chĩa... chống trả, tốt nhất nên trình báo để công an truy xét, có hướng xử lý.

Trong đấu tranh với loại tội phạm này, cảnh sát hình sự đóng vai trò lực lượng xung kích, đã và đang ráo riết thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc trộm chó và ngăn các hậu quả do trộm chó gây ra như đánh chết kẻ trộm hoặc bị những kẻ trộm chó tấn công gây thương tích...•

Xử tội trộm phải định giá con chó

Nếu con chó bị trộm được định giá trên 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp như: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… thì có thể bị xử lý hình sự về tội trộm cắp.

ThS-luật sư NGUYỄN ĐỨC THẮNG Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM

Chó thả rông khó xác định chủ sở hữu

Theo một lãnh đạo đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, pháp luật Việt Nam đang có nhiều vướng mắc trong việc xử lý kẻ trộm chó.

Thứ nhất là chó thả rông, khó xác định chủ sở hữu. Kế đến là việc định giá con chó bị trộm cũng là vấn đề khó.

Biện pháp tốt nhất là người dân không để chó chạy rông. Điều này vừa bảo vệ tài sản vừa tránh những hậu quả đau lòng, đáng tiếc như chó gây tai nạn giao thông, tấn công người, gây mất vệ sinh, mỹ quan...

MINH CHUNG - NGUYỄN TÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/sua-thong-tu-de-xu-ly-triet-de-nan-cuop-cho-1036866.html