Suất cơm 5.000 đồng nghĩa tình ở Thủ đô
Chỉ với 5.000 đồng cho một suất cơm là đã có thể làm ấm lòng những bệnh nhân, người lao động và sinh viên nghèo, những mảnh đời khó khăn khi đến với Câu lạc bộ (CLB) 'Cơm 5.000 Hà Nội'.
Đều đặn mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, CLB “Cơm 5.000 Hà Nội” lại cùng nhau tất bật để chuẩn bị những suất cơm có giá 5.000 đồng. Những suất cơm sau đó sẽ được trao đến các địa điểm như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lao phổi Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn…
10 năm “Hạnh phúc giản đơn”
Với mong muốn có một quán cơm lưu động giá rẻ phục vụ người lao động, bệnh nhân và sinh viên nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 23-8-2012, dự án mang tên “Cơm 5.000 Hà Nội” được triển khai và chính thức đi vào hoạt động.
Tính đến thời điểm hiện tại, “Cơm 5.000 Hà Nội” đã thực hiện được 285 số, hơn 65.000 suất cơm nghĩa tình được trao tận tay người lao động nghèo và bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lao phổi Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn và cảng Vân Đồn.
Chia sẻ về lý do chọn hình thành dự án “Cơm 5.000 Hà Nội”, anh Bùi Quang Long, Chủ nhiệm CLB cho hay: “Cơm 5.000 Hà Nội là hoạt động xã hội thể hiện trách nhiệm của con người với xã hội (không phải là đi làm từ thiện) và hướng tới xây dựng một môi trường hoạt động lý tưởng nhằm cung cấp các trải nghiệm về xã hội cho các bạn trẻ, qua đó giúp các bạn tự giúp bản thân mình trưởng thành hơn về quan điểm, lối sống, tinh thần tương thân tương ái. Do đó, tôi luôn quan niệm đã không làm thì thôi, làm thì phải tử tế nhất có thể với năng lực của mình”.
Sau gần 2 năm với những hoạt động và đóng góp tích cực, ngày 26-5-2014, sự nỗ lực của “Cơm 5.000 Hà Nội” cùng những thành viên cốt cán đã được ghi nhận, chính thức trở thành hội viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thành phố Hà Nội.
“Cùng chung tay vì lợi ích cộng đồng” hay “Hạnh phúc nằm trong sự sẻ chia” chính là phương châm trước đó của “Cơm 5.000 Hà Nội”. Tuy nhiên, anh Long mong muốn truyền cảm hứng nghĩ thiện, sống thiện đến những tình nguyện viên tham gia về một lối sống cao đẹp nên đã đổi thành “Hạnh phúc giản đơn” và được duy trì trong suốt 10 năm qua.
Anh chia sẻ: “Hạnh phúc giản đơn nghĩa là một suất cơm giá trị vật chất rất nhỏ nhưng khi các bạn tình nguyện viên có mặt ở đây để tham gia vào hoạt động thiện nguyện này, các bạn đã hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người trong xã hội. Bên cạnh đó, tặng một suất cơm trong một ngày chủ nhật, không thể giúp người thụ hưởng có những giá trị bền vững, mà chỉ là thông qua suất cơm để người nấu và người nhận có sự tương tác với nhau, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia, giúp lẫn nhau có một khoảnh khắc xoa dịu cả một ngày. Và biết đâu từ khoảnh khắc ấy sẽ lan tỏa sang những người khác và tạo ra được những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống”.
Thực đơn của “Cơm 5.000 Hà Nội” cũng được thay đổi liên tục theo các tuần để phù hợp với các bệnh nhân. Ví dụ bệnh nhân phổi kiêng ăn mặn, thịt gà, thì sẽ bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác hay người lao động tự do thì suất cơm sẽ nhiều thịt cá hơn… Tình nguyện viên ra thực đơn của câu lạc bộ cũng chính là các đầu bếp có tay nghề và kiến thức.
“Dặt dẹo nhưng sống lâu”
Những ngày đầu dự án đi vào hoạt động, khó khăn lớn nhất đối với “Cơm 5.000 Hà Nội” chính là kinh phí và tình nguyện viên. Sau 10 năm, khó khăn cơ bản đã được giải quyết và ổn định.
Hoạt động đã 10 năm nên câu lạc bộ đã trở thành đối tác “mua thiếu” thân quen của rất nhiều nhãn hàng thực phẩm. Thiếu lâu và nợ dai nhưng lại được rất nhiều nhãn hàng ưu ái. Trung bình mỗi chủ nhật hàng tuần, câu lạc bộ nấu khoảng 200 suất cơm 5.000 đồng. Kinh phí thực hiện khoảng 5 triệu đồng. Thông thường sẽ thanh toán hàng tháng cho các chủ cửa hàng thực phẩm vào cuối tháng.
Anh Long cho biết, trung bình “Cơm 5.000 Hà Nội” cần 30 triệu đồng mỗi tháng để có thể duy trì hoạt động nấu cơm Chủ nhật hàng tuần, đỡ đầu các em học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số lượng tình nguyện viên nòng cốt là 10 người và 30 tình nguyện viên không thường xuyên. Kinh phí và thành viên được kêu gọi qua trang fanpage của câu lạc bộ nên không ổn định, phần lớn trong cảnh “chạy ăn từng bữa”. Bởi vậy ngoài tên chính, câu lạc bộ còn có biệt danh do thành viên trong nhóm tự đặt là “dặt dẹo nhưng sống lâu”.
Bên cạnh khó khăn về kinh phí và con người, điều anh Long thấy lớn nhất chính là giúp thay đổi suy nghĩ của các tình nguyện viên. Anh nói: “Các bạn đến tham gia hoạt động thiện nguyện này, không phải để làm từ thiện, mà là để giúp đỡ, sẻ chia, thể hiện trách nhiệm của một người may mắn hơn với cộng đồng. Người nhận được nhiều hơn sau các hoạt động, không phải là những người thụ hưởng mà là chính các bạn. Vì vậy, câu lạc bộ luôn mong được đón nhận nhiều hơn sự tham gia của tình nguyện viên mới, nhất là các bạn trẻ, hãy cùng đến để trải nghiệm và thấy được rằng mình hạnh phúc, may mắn và đang có rất nhiều những cơ hội để thay đổi cuộc đời, để sống tốt đẹp hơn lên qua mỗi ngày”.
Bạn Trần Thị Minh Duyên, tình nguyện viên “Cơm 5.000 Hà Nội” bày tỏ: “Từ một người ít nói, nhút nhát nhưng khi đến với dự án mình đã thay đổi bản thân hoàn toàn. Cứ mỗi cuối tuần, điều mình nghĩ đến khi thức dậy đầu tiên chính là đến câu lạc bộ để tham gia nấu cơm. Thông qua mỗi suất cơm, mình mong muốn sẽ góp chút công sức nhỏ bé của mình cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn đến với các thành viên nhưng họ đều mong muốn duy trì bền vững được hoạt động của “Cơm 5.000 Hà Nội”. Đồng hành cùng các bạn trẻ, mang đến nhiều trải nghiệm sống ý nghĩa, giúp các bạn yêu đời và sống tốt đẹp hơn.