Sức bật cho du lịch Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm
Bình Thuận đang triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo bước phát triển mới để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế này.
Với quan điểm du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, tỉnh Bình Thuận đang triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo bước phát triển mới, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế này.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Đề cập về công tác thu hút đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, các sản phẩm cho phát triển du lịch, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du tỉnh Bình Thuận, cho hay cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngành Du lịch không ngừng được đầu tư, tăng trưởng, Bình Thuận đã xây dựng và hình thành tuyến đường ven biển trải dài từ thị xã La Gi đến huyện Tuy Phong. Các dịch vụ du lịch phát triển ngày càng đa dạng, môi trường ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư, phát triển du lịch.
Tỉnh từng bước hoàn thiện dần về cơ chế chính sách, thông thoáng trong đầu tư, thu hút các dự án du lịch mới có tiềm năng như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, phấn đấu đưa du lịch Bình Thuận sớm trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện nay, Bình Thuận có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch với trên 17.500 phòng; trong đó có nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 4 sao, 3 sao.
Đối với loại hình khách sạn, nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho thuê, toàn tỉnh có trên 530 cơ sở cùng nhiều căn hộ và biệt thự, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm.
Hệ thống cơ sở vật chất hoàn thiện, nhiều khu nghỉ dưỡng hiện đại, khang trang đã góp phần đưa du lịch Bình Thuận đón lượng lớn du khách mỗi năm.
Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 220.000 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.500 tỷ đồng.
Tại thành phố Phan Thiết, nơi được coi là “thủ đô resort,” việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các sản phẩm du lịch được đặc biệt chú trọng.
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, thành phố Phan Thiết đã có những sự chuyển mình khá rõ nét, các dự án đầu tư có quy mô lần lượt được hình thành, các công trình kiến trúc đẹp, hạ tầng giao thông được quy hoạch đồng bộ và mở rộng thông thoáng hơn, các công viên, công trình đô thị được xây dựng khang trang mang lại nhiều không gian xanh sạch và mỹ quan hơn, các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch diễn ra khá sôi động.
Phan Thiết tập trung thu hút đầu tư, khai thác tối đa tài nguyên du lịch biển ở khu vực Hàm Tiến-Mũi Né, Tiến Thành.
Các dự án đầu tư kinh doanh du lịch chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, du lịch kết hợp chơi golf, lướt ván diều, lướt ván buồm và chăm sóc sức khỏe.
Đề cập về chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận khẳng định tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào tỉnh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh.
Vì vậy, tỉnh tập trung hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong số đó, tỉnh quy hoạch, định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… cao cấp.
Đồng thời, tỉnh quy hoạch một số khu vực phù hợp để xây dựng công viên, quảng trường, bãi tắm, phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch.
Bình Thuận tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28B; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc.
Đồng thời, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh; đầu tư công viên, quảng trường biển, kè biển, bến du thuyền, khu neo đậu tàu thuyền, bãi đậu xe, xử lý nước thải, rác thải… phục vụ phát triển du lịch.
Tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh, mời gọi đầu tư các trung tâm thương mại lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.
Nâng chất và đa dạng sản phẩm du lịch
Với quan điểm nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách, tạo sức hấp dẫn để khách du lịch đến không chỉ một lần, Bình Thuận coi trọng việc sáng tạo, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo định hướng rõ ràng trên sơ sở hệ thống tài nguyên du lịch của các địa phương trong tỉnh.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bùi Thế Nhân cho biết từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để phát triển sản phẩm du lịch, đối với loại hình du lịch biển, thể thao, giải trí, Bình Thuận thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, xanh-sạch-đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino... Tỉnh lấy Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né làm hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy phát triển du lịch ra các khu vực khác.
Bình Thuận đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế, trong đó xây dựng và phát triển giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA Mũi Né-Việt Nam, nằm trong hệ thống giải đấu hàng năm của Hiệp hội Lướt ván buồm thế giới PWA.
Đối với du lịch văn hóa, Bình Thuận tập trung khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề truyền thống; phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo cho sản phẩm du lịch ở địa phương.
Tỉnh đầu tư xây dựng Bảo tàng Bình Thuận, Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa của tỉnh gắn với phát triển du lịch.
Với loại hình du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, Bình Thuận phát triển các khu du lịch điều dưỡng, chữa bệnh, các cơ sở hưu dưỡng, thu hút các dự án đầu tư bệnh viện quốc tế gắn điều trị với chăm sóc, phục hồi sức khỏe, thẩm mỹ…
Với loại hình kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), tỉnh thực hiện xã hội hóa xây dựng Trung tâm hội nghị - triển lãm tại thành phố Phan Thiết, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm hội nghị, hội thảo tại các khu du lịch quy mô lớn, nâng cao trình độ và kỹ năng của nhân viên để đảm bảo chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Cũng theo ông Bùi Thế Nhân, nhiều địa phương trong tỉnh có thế mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng-biển-đồi cát. Do đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm hoạt động nông, lâm nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc và phát triển rừng, nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, Bình Thuận thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Tà Cú, các khu rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, Khu Bảo tồn biển Phú Quý, Cù Lao Câu ,phục vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm sống hài hòa với thiên nhiên và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.
Tỉnh đẩy mạnh tổ chức các tour khám phá đồi cát ven biển, hồ, thác nước như Bàu Trắng ở huyện Bắc Bình, hồ Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, Thác Bà ở huyện Tánh Linh, đảo Phú Quý.
Tỉnh tạo thuận lợi cho đầu tư, phát triển các dịch vụ, môn thể thao như lái xe, đua xe mạo hiểm trên đồi cát, lặn khám phá biển.
Với loại hình du lịch cộng đồng, tỉnh khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương về các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm thủ công truyền thống, làng nghề…, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút nhiều du khách đến Bình Thuận./.