'Sức bật' cho vùng dân tộc thiểu số

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được triển khai có trọng tâm, trọng điểm thời gian qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Được ưu tiên bố trí nguồn lực, trong đó nguồn vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ từ chương trình đã và đang tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp phát triển kinh tế, tạo sức bật mới trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Ít đất sản xuất, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều lần do giá nông sản bấp bênh, gia đình ông Trương Thanh Chung ở ấp Sóc Nê là hộ nghèo của xã Tân Tiến gần 4 năm nay. Với 100 triệu đồng vốn vay từ chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề theo Nghị định số 28, ông Chung quyết định đầu tư nuôi bò sinh sản. Ông Chung cho biết: Nhờ vốn vay từ chương trình, gia đình mua được 4 con bò trị giá 80 triệu đồng, số còn lại đầu tư làm chuồng. Hiện nay, gia đình cố gắng chăm sóc để bò sớm sinh sản, sau này kinh tế sẽ ổn hơn.

Nhờ nguồn vốn từ Nghị định số 28, hộ ông Nông Văn Đồi và nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bù Đốp mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế

Ông Nông Văn Đồi ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến chia sẻ: Tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28 rất ý nghĩa, nhờ nguồn vốn mà gia đình mua được 2 con trâu để chăn nuôi. Trâu sớm “ra bầy”, gia đình sẽ có thêm điều kiện chăm lo cho các con ăn học.

Trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu, ảnh hưởng đến đời sống thì chăn nuôi gia súc hiện là sinh kế của nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Nguồn vốn được tiếp cận tối đa 100 triệu đồng với lãi suất thấp, thời gian kéo dài trong 10 năm. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để các hộ đầu tư, tạo sinh kế bền vững.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục rà soát đối tượng có nhu cầu về vốn, đồng thời nâng cao vai trò kiểm soát, giám sát để nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất. Riêng về nguồn lực, chúng tôi luôn đáp ứng đủ để các hộ đồng bào DTTS tiếp cận với chính sách nhân văn này.

Ông NGUYỄN NGỌC ĐIỆP, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp

Ông Hoàng Văn Thọ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Sóc Nê cho hay: Qua thời gian tiếp cận cho thấy, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, theo định hướng phát triển chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân sử dụng vốn vay hiệu quả.

Qua triển khai rà soát nhu cầu về vốn của đồng bào DTTS trên địa bàn, nguồn vốn gần 5 tỷ đồng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp giải ngân, kịp thời giải quyết nhu cầu về vốn, giúp các đối tượng thụ hưởng đầu tư, xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Gia đình chị Hoàng Thị Rin, ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp đầu tư 4 con bò giống nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Gia đình chị Hoàng Thị Rin, ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp đầu tư 4 con bò giống nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có Nghị định số 28 thời gian qua một lần nữa thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước. Đây tiếp tục là nguồn lực quan trọng, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS đầu tư chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tạo sinh kế ổn định hướng tới thoát nghèo bền vững.

Trần Cảnh - Trung Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/143162/suc-bat-cho-vung-dan-toc-thieu-so