Sức bật của HTX nông nghiệp đưa Châu Đức trở thành vùng quê đáng sống

Gỡ khó cho đầu ra cho nông dân, chú trọng canh tác theo tiêu chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng để rộng đường xuất khẩu, phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất cho đến tiêu thụ nông sản, kết hợp làm nông nghiệp với du lịch sinh thái… Những điều này đã và đang được các HTX nông nghiệp làm khá tốt, như sức bật góp phần đưa huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trở thành vùng quê đáng sống khi đời sống người dân ngày càng nâng lên, nâng tầm nông thôn mới.

Cách đây vài tháng, ở xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) đã ra mắt HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Đồng Xanh với 14 thành viên, hoạt động ở 27 lĩnh vực, ngành nghề, trong đó tập trung vào việc sản xuất và thu mua rau an toàn của các nông hộ trên địa bàn huyện.

Gỡ khó cho nông dân trồng rau

Việc thành lập và ra mắt HTX Đồng Xanh được kỳ vọng góp phần giúp các thành viên và bà con nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế rủi ro, nâng cao năng suất, giá trị, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển, xây dựng mô hình HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả tại địa phương.

Các thành viên HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Đồng Xanh canh tác trồng rau an toàn trong nhà màng nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa hay nắng.

Các thành viên HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Đồng Xanh canh tác trồng rau an toàn trong nhà màng nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa hay nắng.

Hiện tại, HTX Đồng Xanh đang nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ, trong đó hướng đến tạo vùng chuyên canh rau VietGap, lập mã vùng trồng, đáp ứng nhu cầu rau an toàn của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Cần nhắc lại, cách đây 3 năm ở xã Xuân Sơn từng có mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ rau ăn lá. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2023, doanh nghiệp đã ngừng thu mua sản phẩm rau trồng trong nhà màng, khiến nông dân gặp khó khăn.

Trước những khó khăn của người trồng rau, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã chủ động gặp gỡ, khuyến khích nông dân xã Xuân Sơn liên kết tham gia vào HTX Đồng Xanh để tiếp tục sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn 4K: không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gien. Đồng thời, HTX sẽ tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm rau cho bà con nông dân, cam kết mua theo giá thị trường.

Theo Hội Nông dân huyện Châu Đức, khi tham gia HTX Đồng Xanh, hàng ngày, các thành viên cần ghi nhật ký về liều lượng tưới nước, bón phân, làm sạch cỏ…Hàng tuần nhân viên kỹ thuật của HTX và đối tác tiêu thụ sẽ kiểm tra chặt chẽ quy trình canh tác. Sản lượng rau thu hoạch tập trung về đầu mối HTX để sơ chế, phân loại và vận chuyển đến nơi tiêu thụ trong ngày.

Bà Mai Thị Thảo, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật HTX Đồng Xanh, cho biết nhờ các thành viên HTX canh tác trong nhà màng nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa hay nắng. Các thành viên cũng áp dụng kỹ thuật chăm bón theo phương pháp hữu cơ, an toàn nên sản phẩm rau của HTX đã được hệ thống Bách Hóa Xanh, các bếp ăn khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua.

“Bên cạnh việc duy trì và nhân rộng sản xuất rau an toàn, HTX tăng cường tuyên truyền, giám sát bà con nông dân tuân thủ theo đúng quy trình, quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cung ứng cho người dùng nguồn rau an toàn trong điều kiện giá rau được thu mua ổn định như hiện nay”, bà Thảo cho biết thêm.

Mở lối xuất khẩu nông sản

Bên cạnh việc gỡ khó đầu ra cho nông dân trồng rau quả thông qua việc tham gia vào HTX như vậy, thời gian qua, huyện Châu Đức đã chú trọng phát triển các HTX nông nghiệp với vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, cấp mã vùng trồng, nhằm mở lối cho nông sản rộng đường xuất khẩu.

HTX Ca cao Châu Đức đang canh tác khoảng 100ha ca cao theo chuỗi liên kết, năng suất bình quân từ 6-10 tấn ca cao tươi/ha/năm.

HTX Ca cao Châu Đức đang canh tác khoảng 100ha ca cao theo chuỗi liên kết, năng suất bình quân từ 6-10 tấn ca cao tươi/ha/năm.

Đơn cử như HTX Sầu riêng Liên Đức ở xã Xà Bang (huyện Châu Đức), hiện nay, HTX có vùng nguyên liệu 23ha, chủ yếu là sầu riêng Ri 6 và sầu riêng Thái. Các thành viên HTX coi mã vùng trồng được cấp như tài sản quý, cùng nhau giám sát, áp dụng quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu và các quy định của nước nhập khẩu.

Năm 2023 là vụ đầu tiên mà HTX này xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Sầu riêng được các DN ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu mùa, thu mua tại vườn với giá cao nên nông dân phấn khởi.

Hoặc như HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Trường ở xã xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) đã hình thành vùng nguyên liệu thanh long ruột đỏ hơn 20ha, trong đó 13,1ha đã được cấp mã vùng trồng.

Mỗi năm HTX này sản xuất từ 8-10 vụ thanh long, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha/năm. Giá bán thanh long ruột đỏ tùy theo từng vụ, dao động từ 30-40 ngàn đồng/kg. Nông dân thu lợi nhuận 30% trên tổng doanh thu.

Ngoài việc chú trọng canh tác theo tiêu chuẩn và cấp mã vùng trồng thì các HTX trong huyện Châu Đức còn đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Chẳng hạn như với cây ca cao, toàn huyện có diện tích canh tác 109ha đang thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong đó, điển hình là HTX Ca cao Châu Đức ở xã Bình Giã (huyện Châu Đức) với 11 thành viên đến từ các xã Xà Bang, Bình Giã, Sơn Bình (huyện Châu Đức) và xã Sông Xoài (thị xã Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang canh tác khoảng 100ha ca cao, năng suất bình quân từ 6-10 tấn ca cao tươi/ha/năm. Nguyên liệu sơ chế từ hạt ca cao của HTX được Công ty CP Sôcôla Marou (Tp.HCM) và CTCP Binon Cacao thu mua.

Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức, cho biết để sản phẩm đạt chất lượng, HTX đã tập huấn quy trình chăm sóc cây ca cao theo hướng hữu cơ, đồng thời làm cầu nối hỗ trợ các thành viên cây giống, mua vật tư, phân bón và bao tiêu nông sản cho các hộ liên kết trồng ca cao.

Là một thành viên của HTX, bà Nguyễn Thị Thảo (ở ấp Vĩnh An, xã Bình Giã) có 4 sào ca cao 3 năm tuổi trồng xen trong vườn điều. Năm nay gia đình bà thu hoạch khoảng 3 tấn cho thu nhập tốt. Việc tham gia HTX đã giúp gia đình bà yên tâm sản xuất, không lo bị thương lái ép giá.

Nâng tầm nông thôn mới

Có thể nói xã Bình Giã là một xã điển hình của huyện Châu Đức trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác, từ đó giúp nông dân tăng thu nhập. Đơn cử như trong xã có Tổ hợp tác trồng đu đủ với diện tích canh tác khoảng 13ha. Trong đó, canh tác theo mô hình VietGap khoảng 5ha, 8ha còn lại trồng theo hướng sạch, an toàn.

Sức bật của kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp góp phần giúp Châu Đức trở thành vùng quê đáng sống.

Ông Ngô Quốc Chiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng đu đủ xã Bình Giã cho biết, với 1 sào đu đủ cho thu hoạch từ 5-7 tấn trái/năm. Đu đủ chín được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua ổn định với giá 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân thu lợi 50% trên tổng doanh thu.

Trong xã này còn có Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng nha đam Bình Giã với 13 thành viên, diện tích canh tác hơn 10ha. Định kỳ hằng tháng, các thành viên trong tổ họp 1 lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nha đam theo hướng hữu cơ. Đến nay, việc sản xuất kinh doanh của các hộ thành viên đi vào nề nếp, cho thu nhập ổn định.

Với các mô hình tổ hợp tác trồng nha đam, đu đủ như vậy, chính quyền xã Bình Giã đang hướng tới phát triển tổ hợp tác thành HTX, để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Tính đến nay huyện Châu Đức có 31 HTX với 1.290 thành viên, trong đó có 28 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 3 HTX được cấp mã vùng xuất khẩu, 1 HTX được cấp mã vùng nội địa. Doanh thu bình quân của mỗi HTX là 2,1 tỷ đồng/năm và lãi bình quân của 1 HTX là 860 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 88 triệu đồng/năm.

Cần nhắc thêm, trong hoạt động của các HTX nông nghiệp thì huyện Châu Đức cũng khuyến khích những HTX này phát triển thêm các mô hình du lịch nông nghiệp. Điều này vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân vừa tăng quảng bá, tiêu thụ nông sản.

Điều này có thể thấy ở mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái của HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu đang phát triển mạnh ở xã Suối Rao (huyện Châu Đức). HTX đã tận dụng vị thế đất thấp, trũng có sẵn suối hồ tự nhiên để cải tạo thành ao, hồ nuôi cá chình, cá lóc rồi làm thêm nhà chòi, hồ bơi, trồng hoa cảnh, dừa,... trang trí mô hình đẹp mắt, thu hút khá đông du khách đến câu cá, vui chơi, giải trí, ăn uống cuối tuần.

Từ những nỗ lực của hoạt động kinh tế hợp tác như vậy trong sản xuất nông nghiệp như nêu trên đã đóng góp đắc lực cho huyện Châu Đức trở thành vùng quê đáng sống, tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao sau khi đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới từ cách đây 3 năm.

Đến nay, huyện Châu Đức có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.

Hơn thế nữa, với hiệu quả kinh tế cao từ các HTX mang lại đã và đang góp phần giúp cho người dân ở vùng quê này có cuộc sống ổn định, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Số liệu mới đây cho thấy trong 11 tháng của 2023, huyện Châu Đức đã có 610 hộ thoát nghèo, đạt 100% kế hoạch đề ra. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh trên địa bàn.

Thanh Loan

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/suc-bat-cua-htx-nong-nghiep-dua-chau-duc-tro-thanh-vung-que-dang-song-1097020.html