Sức bật giáo dục

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngành Giáo dục vẫn vững vàng 'tay lái', đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.

Dạy học trực tuyến đã được triển khai đồng bộ trong đại dịch.

Dạy học trực tuyến đã được triển khai đồng bộ trong đại dịch.

Nói như các đại biểu Quốc hội, ngành Giáo dục có sức bật riêng mà không phải ngành nào cũng có được.

Với nhiều điểm mới mang tính đột phá, GD-ĐT của Việt Nam trở thành điểm sáng để bạn bè quốc tế học tập kinh nghiệm. Không thể không tự hào khi nhắc đến việc ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu kép ở thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Trên cơ sở đó, Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy để các nước đến thăm quan học tập kinh nghiệm trong việc chuyển đổi sang phương thức dạy - học trực tuyến. Đây chính là một trong những điểm sáng được các đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao.

Chẳng thế mà sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát, gần 1,5 triệu GV, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu HS, SV cả nước đều an toàn trước đại dịch. An toàn là vậy, nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, “đứt gãy” như một số nước gặp phải. Điều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, mà còn cho thấy sức “chịu đựng” của ngành Giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.

Còn nhớ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay”. Ngẫm lại mới thấy trân quý và sâu sắc. Hiếm có nước nào có hệ thống cơ sở GD&ĐT phát triển cả về chất và lượng như Việt Nam. Hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục và công nhận trình độ người lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.

Giáo dục ĐH được nâng lên tầm cao mới.

Giáo dục ĐH được nâng lên tầm cao mới.

Đáng chú ý, chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến. Nội dung giảng dạy và kiến thức của HS phổ thông ngày càng toàn diện hơn, đồng thời tiếp cận với phương pháp học tập mới của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Kết quả đánh giá PISA và các kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thi khoa học kỹ thuật dành cho HS phổ thông, Việt Nam vượt mức trung bình của các nước khối OECD và luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích thi Olympic quốc tế. Đó là minh chứng cho chất lượng giáo dục phổ thông nói riêng và sức bật của giáo dục của Việt Nam nói chung.

Như những nốt nhạc vui, năm 2020 Việt Nam có 4 trường đại học trong danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới; 8 trường đại học trong danh sách 500 trường hàng đầu châu Á theo bảng QS University Rankings; 8 trường đại học được URAP xếp hạng, 21 cơ sở nghiên cứu/trường đại học được SCImago xếp hạng. Ngoài ra, 3 trường đại học được chứng nhận 3, 4 sao theo QS-Stars. Điều này khẳng định vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời minh chứng cho những chủ trương, quyết sách của ngành Giáo dục đã đúng hướng, trong đó có chính sách về tự chủ đại học.

Có thể thấy, nhìn lại chặng đường 5 năm, chúng ta mới cảm nhận được những “quả ngọt” của giáo dục sau bao nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi. Nói rộng hơn, đây cũng là kết quả của quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tin rằng, giữa những thông tin trái chiều, cái nhìn chưa thấu đáo về giáo dục, những con số biết nói nêu trên sẽ là nhịp cầu kết nối, để nhân lên niềm tin của xã hội với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/suc-bat-giao-duc1-60or962GR.html