Sức bật từ Nghị quyết T.Ư 5
BHG - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT - XH địa phương, giúp người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghị quyết T.Ư 5 đặt mục tiêu cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. Cụ thể hóa Nghị quyết vào điều kiện thực tế, tỉnh rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách, đổi mới quản lý, triển khai quyết liệt từng lĩnh vực, đưa chỉ tiêu của Nghị quyết vào chương trình phát triển KT - XH hàng năm và giai đoạn; ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch thực hiện chính sách với người có công, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; đặc biệt các chính sách đặc thù về hỗ trợ y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội, tạo việc làm, phát triển sản xuất; huy động tối đa nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản.
Giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh huy động, lồng ghép trên 30.977 tỷ đồng thực hiện các chính sách xã hội, trong đó vốn ngân sách Nhà nước trên 15.968 tỷ đồng, vốn vay 6.360 tỷ đồng, vốn hợp tác quốc tế 7.728 tỷ đồng và huy động xã hội hóa 921 tỷ đồng; thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng cho 32.957 lượt người có công và thân nhân người có công với tổng kinh phí trên 669 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần cho 17.522 lượt đối tượng với số kinh phí 55,17 tỷ đồng; thăm và tặng quà cho 156.950 lượt gia đình chính sách, người có công và thân nhân người có công nhân dịp lễ, Tết với tổng kinh phí 45,369 tỷ đồng; hỗ trợ 1.849 người có công xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 116.353 lao động, trong đó 53.921 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện linh hoạt, hiệu quả theo từng giai đoạn, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, trong đó các huyện nghèo, xã nghèo giảm 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 23,63 triệu đồng, trong đó thu nhập bình quân của hộ nghèo đạt 9,5 triệu đồng, gấp 3,06 lần so với năm 2010. Số người lao động tham gia BHXH tăng mạnh, từ 9,14% năm 2012 lên 21% năm 2021. Giai đoạn 2016 - 2022, thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 1.111.373 lượt học sinh nghèo theo các Nghị định của Chính phủ; chú trọng củng cố, phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú nhằm nâng cao tỷ lệ huy động học sinh tới lớp, duy trì sĩ số và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%. Trung bình mỗi năm trên 700.000 lượt người được khám, chữa bệnh BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,36%. Mạng lưới khám, chữa bệnh các tuyến được củng cố, ổn định và phát triển, số giường bệnh đạt 45,1 giường/10.000 dân, trung bình có 10,2 bác sỹ/10.000 dân; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2021 đạt 88,2%; tỷ lệ các xã được phủ sóng phát thanh đạt 98%, phủ sóng truyền hình đạt 100%.
Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo theo các chương trình của Chính phủ, tỉnh được triển khai quyết liệt. Từ năm 2013 đến nay, đã có trên 12 nghìn hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đều được triển khai kịp thời, giúp người dân, doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Với sự đầu tư đồng bộ và toàn diện, Nghị quyết T.Ư 5 mang lại nhiều cơ hội phát triển KT - XH, làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, dự báo biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân nhân, nhất là đối tượng chính sách, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Với mục tiêu đến cuối năm 2030, gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh; bảo đảm mức tối thiểu về việc làm, thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và truyền thông cho nhân dân, tỉnh tiếp tục tập trung một số giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách xã hội; tập trung giải quyết cơ bản về nhà ở, phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; cải cách chính sách BHXH; thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đầy đủ, chính xác phù hợp với điều kiện ngân sách; huy động tối đa sự trợ giúp của cộng đồng; đầu tư cơ sở vật chất; giải quyết việc làm theo hướng bền vững; phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202205/suc-bat-tu-nghi-quyet-tu-5-8f91a35/