Sức bật từ nông nghiệp công nghệ cao
Với áp lực đô thị hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao được coi là chìa khóa giúp ngành kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...
Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật mới, góp phần thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn.
Nguồn lực lớn
Trong ánh nắng chiều hè gay gắt, thành viên Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) tất bật với những đơn hàng xuất cho các siêu thị, nhà hàng... Ông Hoàng Văn An - thành viên Hợp tác xã phấn khởi nói: “Với hơn 2.000m2 nhà lưới trồng dưa chuẩn công nghệ cao, giá bán trên thị trường 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ, gia đình tôi thu hơn 50 triệu đồng, có vụ thu gần 100 triệu đồng tiền lãi”...
Thực tế, không phải nông dân nào của Hà Nội cũng có mức thu nhập ổn định như vậy từ nông nghiệp. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ, xuất phát từ nhóm hộ nông dân mong muốn gắn bó với đồng ruộng quê hương, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, năm 2016, họ liên kết cùng góp đất, thuê đất để sản xuất rau sạch. Từ nhóm hộ ban đầu đó, ông cùng các thành viên thành lập Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn.
Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, Hợp tác xã tập trung xây dựng vùng chuyên canh rau, quả ứng dụng công nghệ cao. Quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sơ chế rau của Hợp tác xã đều theo công nghệ Nhật Bản. Hợp tác xã đã phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác về nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... Toàn bộ diện tích trồng rau được phủ màn hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức bằng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, công nghệ nano nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động.
Để minh bạch nguồn gốc xuất xứ rau, Hợp tác xã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QRcode tới 100% hộ sản xuất... Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 600 tấn/năm, doanh thu 4 tỷ đồng/năm. Hiện nay, sản phẩm rau quả của Hợp tác xã được cung ứng cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là BigC và T-Mart cùng 15 cửa hàng tiện ích, 11 trường học.
Cũng là mô hình điểm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội, mô hình sản xuất theo chuỗi của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) cũng đạt hiệu quả khá. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ chia sẻ, từ năm 2007, Công ty xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch với việc chuẩn hóa 5 khâu, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm, tạo chuỗi thực phẩm khép kín.
Đối với khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty chọn phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, sản lượng 1.000 tấn/tháng, cung cấp cho các trại chăn nuôi của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đến nay, Công ty đã có 7 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bảo đảm chất lượng, Công ty liên kết với hơn 300 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn thành phố và địa phương khác. Công ty cũng mở 134 điểm bán thực phẩm sạch nhằm cung ứng cho đông đảo người tiêu dùng.
Nhìn lại chặng đường phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có chuyển biến tích cực. Từ manh nha 2 - 3 mô hình, đến nay, Hà Nội đã có 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Trong đó, chủ yếu là các mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt (105 mô hình), 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích kinh tế vượt trội. Hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị của ngành.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội đang tạo bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững, bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua tiếp cận sản phẩm nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp ổn định đời sống nông dân, duy trì sự phát triển của ngành Nông nghiệp xứng đáng là “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô.
Cần sự tiếp sức
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, thành phố hiện có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, giống lúa mới; 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản; 95 hợp tác xã; khoảng 130 chuỗi sản xuất ứng dụng công nghệ cao từng phần... Tuy nhiên, nếu nhìn toàn diện thì sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, nguyên nhân chính khiến nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng là số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn thấp. Nông nghiệp còn đối diện với nhiều rủi ro, phụ thuộc thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên, những hạn chế đó sẽ được khắc phục nếu ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang là bài toán khó; nguồn lực về tài chính, quỹ đất, cơ chế... cũng khiến tỷ lệ nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội còn ở mức khiêm tốn.
Tại buổi làm việc với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chỉ rõ, Hà Nội có thế mạnh về nguồn lực kinh tế, nguồn lực chất xám và là 1 trong 2 trung tâm kinh tế của cả nước nên ứng dụng công nghệ cao là điều kiện bắt buộc. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được định hướng tại 2 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.
Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lần lượt chiếm tỷ lệ 45%, 80% và 60%; 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động sáng tạo.
Thời gian qua, Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ... Điển hình là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng để trình UBND thành phố xem xét, ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn thành phố; kết nối các doanh nghiệp để cung ứng nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sở tham mưu, đề xuất UBND thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án hạ tầng sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sơ chế, chế biến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường...
“Sau khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội ban hành, Sở sẽ tham mưu thành phố nghiên cứu hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đề nghị các sở, ngành tham mưu tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Trung ương những vướng mắc vượt thẩm quyền nhằm tạo điều kiện, khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp; phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô (trình độ, khoa học công nghệ, vốn, thị trường...); tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ nông nghiệp đô thị cùng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đạt bằng được mục tiêu đã đề ra” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/suc-bat-tu-nong-nghiep-cong-nghe-cao-635897.html