Sức bật vùng đất khó

Trong những năm qua, Thanh Sơn đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các xã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp ...

Năm 2020, sản lượng chè búp tươi toàn huyện Thanh Sơn đạt gần 31.000 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chè.

Năm 2020, sản lượng chè búp tươi toàn huyện Thanh Sơn đạt gần 31.000 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chè.

(baophutho.vn)

- Trong những năm qua, Thanh Sơn đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các xã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao. Nhiều xã trong huyện đã khởi sắc nhờ vận dụng hiệu quả, linh hoạt các chỉ đạo, định hướng của huyện.

Thực hiện Đề án “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2015-2020”, sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện đã duy trì tăng trưởng khá và đạt kết quả tương đối toàn diện, trong đó đã hình thành được các nhân tố mới trong sản xuất như phát triển sản xuất theo hướng quy mô hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, gia trại; thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư phát triển các cơ sở chế biến gỗ, chè, chăn nuôi gà, chế biến các sản phẩm (như: Thịt chua, nem sợi,..) theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch, đảm bảo cung cấp đủ giống, phân bón, nguồn nước cho gieo cấy, đặc biệt là khung lịch thời vụ, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao đạt 2.400ha; nhân rộng diện tích trồng cây bưởi Diễn lên 590ha; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như: Mô hình trồng lúa Séng Cù, lúa nếp Quạ Đen, mô hình chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật kích bưởi ra hoa trái vụ, mô hình trồng gừng Trâu, mô hình trồng rau an toàn,... Huyện mở rộng trồng và chuyển hóa cây gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích rừng.
Hiện thực hóa Đề án - Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2015-2020” quyết tâm phát triển kinh tế- xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có, xã Yên Lãng đã xác định lấy cây lúa làm cây trồng chủ lực, quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao tại cánh đồng Đông Thịnh và Đông Vượng. Mỗi năm xã gieo cấy 180ha/2 vụ lúa, trong đó 70ha là các giống lúa chất lượng cao như J02, BC 15, 225. Vụ Chiêm Xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân đạt 60,9 tạ/ha, sản lượng đạt gần 11.000 tấn.Ngoài cây lúa, xã vận động nhân dân cải tạo vườn tạp đưa cây bưởi Diễn trồng thay thế cây kém hiệu quả. Đến nay toàn xã đã trồng được gần 34ha bưởi, trong đó 20ha đã cho thu hoạch. Không chỉ chú trọng đến trồng trọt, xã vận động bà con phát triển đàn gia súc, gia cầm. Toàn xã có trên 1.000 con trâu, bò; hàng chục nghìn đàn lợn, gia cầm và 410ha rừng sản xuất phát triển theo hướng VACR, thu nhập bình quân đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, gấp 2 - 3 lần so với năm 2015.Xã Yên Lương có trên 80% dân cư là người dân tộc thiểu số, có ba bản vùng cao là: Quất, Náy, Bồ Xồ với ba dân tộc sinh sống là Dao, Mường và Thổ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Đại hội Đảng bộ xã về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, chính quyền xã chú trọng phát triển cây lâm nghiệp chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy. Sự bứt phá mạnh mẽ đó đã được minh chứng bằng việc tỉ lệ hộ nghèo ngày một giảm, đến nay hộ nghèo của xã còn khoảng trên 15%. Anh Đinh Trung Tuyến ở khu 5 có 18ha cây keo từ 2-5 năm tuổi cho biết: “Được sự vận động của chính quyền, gia đình tôi chuyển 10ha keo sang rừng gỗ lớn. 5 năm nữa gia đình sẽ có nguồn thu lớn từ rừng”. Đồng chí Đinh Văn Năng- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Với diện tích đất rừng chiếm đến 70% diện tích đất tự nhiên của toàn xã nên việc phát triển cây lâm nghiệp được Yên Lương coi là thế mạnh của xã. Hiện toàn xã có 110ha cây nguyên liệu, hàng năm, xã vận động người dân đưa các giống keo cao sản vào trồng mới, trồng thay thế, qua đó độ che phủ rừng luôn đạt trên 60%. Đồng thời tuyên truyền bà con chuyển hóa một số diện tích sang trồng cây gỗ lớn, tập trung ở khu 3 và khu 5”.Căn cứ vào tình hình thực tế, xã Yên Sơn tập trung phát triển diện tích chè hiện có gần 370ha trồng chè, sản lượng chè búp tươi năm 2020 đạt 1.640 tấn. Trong đó, trên 200ha thuộc Công ty chè Yên Sơn còn lại trong dân. Từ cây chè các hộ trồng chè trong xã đã có cuộc sống khá giả hơn. Anh Đinh Mạnh Cường khu Đề Ngữ là người đi đầu trong việc trồng chè giống mới, nhiều người coi anh là “chuyên gia” về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè. Anh cho biết: “Gia đình trồng được hơn ba hécta chè lai và Bát Tiên giờ mỗi lứa đã thu vài tấn búp tươi, một năm hái sáu, bảy lứa. Với giá từ 3.000- 4.000đồng/kg như bây giờ, năm nay ước tính sẽ thu khoảng 100 triệu đồng. Xóm tôi nhà nào cũng trồng chè, nguồn thu từ chè hiện chiếm gần một nửa thu nhập của các gia đình ở đây”. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của huyện còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn chậm; hiệu quả hoạt động của đa số HTX nông nghiệp hiện nay còn thấp, quy mô hợp tác xã nhỏ; chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện. Xuất phát từ tình hình trên, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển nông, lâm nghiệp từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững, Đảng bộ huyện Thanh Sơn ban hành Nghị quyết “Về phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2021-2025” theo hướng sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện. Rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung; thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về đất đai, ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đặc biệt là tập trung vào các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện, nhằm hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa Thanh Sơn thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.Đồng chí Đinh Thị Kiều An- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: “Để thực hiện nghị quyết có hiệu quả, huyện đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đổi mới công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, nâng quy mô, hiệu quả từ sản xuất đến tiêu thụ; tăng cường quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202107/suc-bat-vung-dat-kho-178080