Sức bật Xuân Giang
BHG - Xã Xuân Giang (Quang Bình) được UBND tỉnh Quyết định công nhận là Đô thị loại V tháng 12.2022. Sau gần 2 năm được công nhận, Xuân Giang đã có bước tiến vượt bậc. Năm 2023 thu nhập bình quân 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 2,32% toàn xã.
Xuân Giang hôm nay là vùng động lực phát triển kinh tế cho cả vùng giáp danh của huyện Quang Bình và các vùng lân cận từ Bắc Quang, Yên Bái. Về Xuân Giang sẽ ít ai mường tượng được vùng lúa khi xưa nay đã khoác lên mình màu áo mới. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang, Nguyễn Anh Thùy cho biết: Lực đẩy để Xuân Giang gặt hái được một số thành tựu như hiện nay là nhờ làm tốt công tác quy hoạch đô thị và tổ chức lại sản xuất. Theo đó xã đã công bố quy hoạch đô thị với diện tích tổng thể 250 ha, quy hoạch chi tiết khu trung tâm 70 ha, tầm nhìn từ 10 – 30 năm. Định hướng là phát triển đô thị gắn với nông nghiệp hàng hóa, du lịch sinh thái cộng đồng đậm bản sắc đồng bào Tày. Ngay sau quy hoạch, xã đã phát huy nội lực sức dân hiến đất, góp tiền, huy động công sức mở rộng hành lang đường làng, ngõ liên gia, liên thôn. Được sự đầu tư thêm của Nhà nước xã tập trung vào xây dựng hạ tầng và chỉnh trang lại đô thị, các khu dân cư tập trung. Đi đôi với thu hút đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp và chế biến nông, lâm sản tạo ra sức cạnh tranh cho nền kinh tế địa phương. Chợ trung tâm được quy hoạch và đầu tư xây dựng kiên cố; chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ xã tự quản, giao cho doanh nghiệp đầu tư, quản lý, vận hành; với 36 gian hàng, 360 hộ kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, Lý Văn Ba cho biết: Xã đã chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao. Kể từ vụ mùa năm 2022 đến nay, xã đã thực hiện 150 ha ruộng cấy lúa đặc sản kèm thả nuôi cá Chép. Khi thu hoạch, lúa gạo đặc sản đăng ký chỉ dẫn hàng hóa vùng trồng, cá chép ruộng làm mắm cá truyền thống ướp, ủ lên men bằng thảo dược. Lúa, gạo đặc sản, mắm cá chép ruộng ướp thảo dược đã trở thành món ăn, quà tặng vươn xa. Vào vụ Đông, nhân dân chuyển sang trồng rau màu các loại. Đi đôi với xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực như lúa chất lượng cao, vùng trồng rau hữu cơ, vùng trồng cây ăn quả. Giá trị thu nhập từ chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mùa vụ đã đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình của xã như: Trồng cây su su hữu cơ lấy ngọn; trồng Nho hạ đen kết hợp với làm du lịch nông nghiệp; trồng Dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới để Xuân Giang bứt phá. Các cây trồng bản địa có giá trị kinh tế lâu dài như cây Đinh, Lim, Sến, Táu mật, Trai lý đang được phục tráng, trồng nhân rộng. Các loại gỗ keo, quế được quy hoạch trồng thành rừng kinh tế tập trung mang lại giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Chăn nuôi đã hình thành các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: Chăn nuôi lợn đen kèm chế biến mắm thịt lợn đen được lên men bằng dược liệu; nuôi dê hàng hóa và sinh sản đem lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, Xuân Giang hình thành các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô từ 500 – 7.000 con/lứa; toàn xã có 36 mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung; mang lại thu nhập cho các hộ chăn nuôi từ 150 – 500 triệu đồng/năm.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng no ấm, đô thị xanh, sạch, đẹp. Qua đó, tạo tiền đề để Xuân Giang hoàn thành mục tiêu Nghị quyết các cấp, đúc rút thành bài học kinh nghiệm để nhân rộng.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202403/suc-bat-xuan-giang-fb54b14/