Sức cầu yếu, giá vật liệu xây dựng sẽ vẫn giữ ổn định

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường vật liệu xây dựng quý III/2023 vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn cầu yếu, giá bán không tăng, thậm chí giá thép giảm lần thứ 19, giá xi măng giữ nguyên; riêng cát san nền cho các dự án cao tốc tăng nhẹ do thiếu nguồn cung. Dự báo từ nay đến cuối năm giá thép, xi măng tiếp tục bình ổn, không có biến động về giá, do thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi.

Dự báo giá xi măng từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định. Ảnh: TL

Dự báo giá xi măng từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định. Ảnh: TL

Giá thép giảm, xi măng giữ nguyên

Khảo sát thị trường thép xây dựng cho thấy, từ 7/9, một số doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục thông báo giảm 100.000 - 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá bán. Cụ thể, ở lần giảm giá thứ 19 này, Thép Hòa Phát hạ giá 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 ở cả 3 miền. Giá sau điều chỉnh, giá dòng thép này ở miền Bắc, miền Trung xuống còn 13,43 triệu đồng/tấn; trong khi ở miền Nam có giá bán 13,53 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, giá còn 13,43 triệu đồng/tấn; thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn, về mức 13,74 triệu đồng/tấn; thép Kyoei Việt Nam giảm 200.000 đồng/tấn, ở mức 13,46 triệu đồng/tấn…

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, giá thép lên đến gần 16 triệu đồng/tấn. Sau đó giá đã giảm 19 lần xuống dưới 14 triệu đồng/tấn, hiện giá thép đã “về đáy” thấp nhất trong 3 năm qua.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do

Thị trường vật liệu xây dựng hết sức khó khăn

TS. Thái Duy Sâm cho hay, 9 tháng năm 2023, thị trường vật liệu xây dựng hết sức khó khăn do cầu yếu, cho nên hầu hết các mặt hàng không tiêu thụ được, trong đó có gạch lát, gốm ốp lát, kính xây dựng… ảnh hưởng lớn nhất, bởi thị trường bất động sản đóng băng. Tuy nhiên, bên cạnh đó có số loại vật liệu xây dựng nhu cầu lớn nhưng không đáp ứng được, nên giá có tăng, như vật liệu đắp nền ...

nhu cầu tiêu thụ chậm. Trong đó, tiêu thụ chậm thép xây dựng đến từ nguyên nhân thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc. Không những thế, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.

Với xi măng, giá mặt hàng này 9 tháng đầu năm tương đối ổn định. Cụ thể, sau khi ghi nhận 3 đợt tăng giá tháng 6/2022 với mức tăng từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn, đến nay các doanh nghiệp xi măng vẫn giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất hồi tháng 6/2022.

Hiện tại, giá bán xi măng trong nước đang có sự chênh lệch theo khu vực khi giá xi măng ở miền Nam đang ở mức tương đối cao, ở mức 1,7 triệu đồng/tấn; giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc, miền Trung dao động trong khoảng 13,2 - 16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.

Giá vật liệu xây dựng khó giảm tiếp

Theo Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), giá các loại vật liệu khai thác đất, cát có nhiều biến động do tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong đó, giá cát tăng bình quân 1,5%/tháng do nhu cầu xây dựng tăng. Đáng chú ý, các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng mạnh hơn (bình quân 3,4%/tháng).

Tương tự, giá đá xây dựng cũng có xu hướng tăng nhẹ và giữ ổn định qua từng quý. Theo đó, giá mặt hàng này trong quý I/2023 tăng khoảng 2,7% so với cuối năm 2022 và giá bán quý III/2023 không tăng.

Theo Bộ Xây dựng, việc tăng giá này có thể lý giải do nhu cầu sử dụng loại vật liệu cho các công trình giao thông đang thi công ở các khu vực trên cả nước, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khu vực miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cát tự nhiên dùng trong thi công, nhu cầu chuyển đổi sang dùng vật liệu cát công nghiệp sản xuất từ đá cũng tăng mạnh.

TS. Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, những tháng cuối năm, tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ tăng hơn, nhưng cũng không có đột phá, cho nên giá cả sẽ vẫn ổn định, không có tăng giảm nhiều. Đối với giá cát để đắp đường, hiện nay cũng có nhiều đề xuất giải pháp như: sử dụng cát biển hoặc là sử dụng các phế thải từ nhà máy nhiệt điện… nhưng tất cả các giải pháp trước mắt vẫn khó khăn và chưa khả thi, cho nên cát để sử dụng đắp đường trong thời gian tới vẫn là vật liệu chính.

Theo TS. Thái Duy Sâm, 3 tháng cuối năm chưa có cơ sở nào để tăng giá sắt, xi măng, gạch lát, kính xây dựng… bởi vì tiêu thụ đang rất khó khăn. Trong quý IV, Nhà nước cũng có các chủ trương chưa tăng giá một số mặt hàng, nên giá vật liệu xây dựng sẽ vẫn giữ ổn định./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/suc-cau-yeu-gia-vat-lieu-xay-dung-se-van-giu-on-dinh-137329.html