Sức cùng lực kiệt sau bão lũ, HTX mong được nâng mức hỗ trợ
Sau thiên tai, bão lũ, sự vào cuộc của các ngành chức năng, ngành nông nghiệp với các chính sách hỗ trợ cụ thể là điều cần thiết để giúp đỡ nông dân, HTX vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu quy định hỗ trợ, đặc biệt là trong Nghị định 02/2017/NĐ-CP mở rộng phạm vi, nâng cao khả năng hỗ trợ sẽ giúp nông dân, HTX yên tâm hơn trong khắc phục sản xuất sau thiên tai.
Thiên tai luôn mang lại những hậu quả không lường cho người dân, HTX trong ngành nông nghiệp. Báo cáo từ các địa phương cho thấy, mức độ thiệt hại về hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản đối với các HTX rất nặng nề.
Hạn chế đối tượng, nguồn hỗ trợ thấp
Sau bão, nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít HTX đã bị hư hỏng như nhà xưởng, nhà màng, trang trại, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa…
Tại HTX Sông Hồng (Hà Nội), sau khi bị ngập nhà kho, xưởng sản xuất, HTX phải thanh lý toàn bộ máy móc mà trước đó đầu tư hàng tỷ đồng bằng nguồn vốn vay hạn chế từ ngân hàng.
Đi liền với đó, quá trình sản xuất kinh doanh của HTX từ sau cơn bão số 3 đến nay dường như bị ngừng hoàn toàn để tập trung vào khâu khắc phục hậu quả của bão. Điều này chắc chắn làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của HTX.
Những thiệt hại đối với HTX trong sản xuất kinh doanh là không hề nhỏ. Do đó, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước được coi là phao cứu sinh giúp các HTX có sức bật sau khi gặp hàng loạt khó khăn bởi thiên tai.
Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước đã có Nghị định 02/2017/NĐ-CP với những chính sách hỗ trợ người dân, HTX khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Sau 6 năm triển khai Nghị định, không ít người dân, HTX đã khôi phục sản xuất sau thiên tai. Nhưng song song với đó, vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định trong Nghị định này khiến nhiều HTX vẫn chưa thật sự thuận lợi trong tái thiết sản xuất.
Chị Hoàng Thị Thắm, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Xanh 26/3 (Sơn La), cho biết chị và các thành viên đã nghiên cứu Nghị định số 02 và được biết Nhà nước có hỗ trợ cho đối tượng rau màu nhưng nhìn chung, chính sách hỗ trợ còn rất thấp.
Cụ thể là diện tích rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% thì mức hỗ trợ mới dừng ở 2.000.000 đồng/ha. Còn nếu diện tích rau màu bị thiệt hại từ 30% - 70%, mức hỗ trợ chỉ là 1.000.000 đồng/ha.
Còn ông Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (Bắc Giang) lại cho rằng HTX bị sập và hư hại gần 14.000 m2 nhà màng và một nhà lưới trong đợt bão số 3 vừa qua. Nhưng khi chiếu theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định 02 thì chưa có quy định cụ thể cho diện tích xuất nhà màng, nhà lưới. Trong khi đầu tư nhà màng, nhà lưới cần nguồn vốn rất lớn.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng chưa đề cập đến một số đối tượng sản xuất như nghề trồng hoa, cây cảnh… mà chỉ tập trung vào một số đối tượng cây trồng, vật nuôi truyền thống như lúa, rau màu, thủy sản, lâm nghiệp, nghề muối, gia cầm, gia súc.
Dồn lực hỗ trợ HTX
Có thể thấy, ngay trong Nghị định 02 đang tồn tại những bất cập trong thực tiễn triển khai và cần phải có những điều chỉnh, thay thế để phù hợp với thực tiễn sản xuất một cách nhanh chóng hơn nữa.
Theo thống kê, khu vực kinh tế tập thể, HTX đang tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động trên địa bàn cả nước. HTX cũng đang đóng vai trò tạo ra 50-80% nông sản hàng hóa (tùy từng loại) trên thị trường. Trong khi theo thống kê của các bộ ngành, thiệt hại từ bão số 3 có thể kéo giảm 0,15 điểm phần trăm GDP so với mục tiêu 6,8-7% mà Chính phủ đặt ra.
Do đó, việc dồn lực để hỗ trợ HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất là nhiệm vụ cấp bách lúc này. Thực chất, trước đó, Bộ NN&PTNT đã có dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 02 nhưng theo không ít HTX, dự thảo này cũng mới chỉ tập trung vào mức hỗ trợ đối với cây trồng là lâm nghiệp, và vật nuôi là thủy hải sản, sản xuất muối. Còn đối với đối tượng là gia súc, gia cầm thì mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên. Điều này chưa tạo được sự công bằng và gây ra sự khó khăn cho nhiều HTX chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, phục hồi sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp nhằm giúp ổn định kinh tế, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Về cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp trước rủi ro thiên tai, dịch bệnh tại Nghị định 02. Nghị định này ban hành có ý nghĩa quan trọng, giúp các địa phương, người dân có nguồn lực khôi phục, tái tạo sản xuất nông nghiệp. Điều này góp phần quan trọng nhằm hạn chế nhất ảnh hưởng đến CPI, xuất khẩu, tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Theo các chuyên gia, sau thiên tai, nhiều thành viên, lao động trong HTX cũng bị mất nhà cửa, thiệt hại về kinh tế nên phải tập trung lo cho gia đình và khó có thể huy động nguồn vốn từ người thân. Điều này dẫn đến tình trạng, HTX đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Trong khi, vấn đề nguồn vốn vẫn là một trong những thách thức mà các HTX phải đối mặt sau thiên tai. Nhiều HTX không có quỹ dự phòng đủ mạnh, nhanh chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt tài chính sau khi bão qua đi. Bên cạnh đó, nhiều HTX còn phải đối mặt với các khoản nợ cũ chưa trả, trong khi chi phí khôi phục sản xuất rất lớn, từ việc mua lại giống, phân bón, thức ăn, đến sửa chữa, xây dựng lại cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, giá nguyên vật liệu thường tăng sau thiên tai do nguồn cung khan hiếm, khiến chi phí đầu vào của HTX tăng cao. Do đó, việc tăng cường nguồn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận chính sách cho khu vực kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn này là rất cần thiết để giúp khu vực này thuận lợi khôi phục sản xuất kinh doanh.