Sức cuốn hút từ Hội thi Dân vận khéo năm 2024 khu vực II

Với sự đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, đặc biệt là sân khấu hóa 'câu chuyện có thật' - những mô hình dân vận khéo đơn vị đang triển khai để giới thiệu đến công chúng, Hội thi Dân vận khéo năm 2024 khu vực II vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng người xem cũng như Ban giám khảo (BGK).

Đại tá Nguyễn Quốc Cường (hàng 2, thứ 3, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với Đội thi BĐBP TP Đà Nẵng.

Đại tá Nguyễn Quốc Cường (hàng 2, thứ 3, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với Đội thi BĐBP TP Đà Nẵng.

Với sự góp mặt của 15 đội thi thuộc Bộ đội biên phòng (BĐBP) 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hội thi trải qua 3 phần, gồm: Giới thiệu về đơn vị và địa bàn; thi kiến thức, xử lý tình huống và giới thiệu, tuyên truyền về chương trình, mô hình, hoạt động tiêu biểu trong công tác vận động quần chúng.

Người xem và BGK lấy làm ấn tượng về phần thi chào hỏi của Đội thi BĐBP TP Đà Nẵng. Khi ca khúc “Hành khúc chiến sĩ Biên phòng Đà Nẵng” do Trung tá Hà Văn Thoong và Thiếu tá Nguyễn Phước Vĩnh Long (Phòng Chính trị, BĐBP TP Đà Nẵng) sáng tác vang lên, ai cũng dễ dàng nhận ra ngay hình ảnh lực lượng BĐBP canh giữ biển nơi thành phố đáng đến để sống này. Tại phần thi kiến thức, Đội thi BĐBP TP Đà Nẵng cũng xuất sắc đạt điểm số tuyệt đối. Chỉ với 10 phút diễn, tiểu phẩm “Vì những con tàu xa khơi” đã thể hiện khá trọn vẹn nội dung tuyên truyền đến người dân tuân thủ quy định khi khai thác trên biển. Đặc biệt, nhân vật “má Hai” với lối diễn xuất chân thật, giàu biểu cảm, nhất là ở đoạn cao trào khi mắng con trai vì lợi ích riêng mà có hành động, lời nói thiếu suy nghĩ trước những người lính Biên phòng đã chinh phục người xem.

Với tác phẩm “Đồng lòng”, phần dự thi của Đội thi đến từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông mang tính thời sự cao khi đề cập đến cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao” đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Thượng tá Hoàng Văn Hiểu - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Trưởng Đoàn dự thi của Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông, cho biết: “Kịch bản, nội dung của tác phẩm được viết chặt chẽ, không chỉ mang đi dự thi, mà còn để phục vụ công tác tuyên truyền sau này. Chúng tôi tin rằng, tiểu phẩm của chúng tôi rất phù hợp để công diễn tại các buôn, sóc ở khu vực biên giới, sẽ được bà con nhân dân đón nhận”.

Ấn tượng không kém là trong phần dự thi của mình, Đội thi đến từ BĐBP Kon Tum đã không quên khéo léo quảng bá cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà – sâm Ngọc Linh. Đội thi còn tranh thủ mời Ban giám khảo và các đội nếm thử sản phẩm mứt sâm dây của đồng bào dân tộc ở Kon Tum trồng và mong muốn trở thành hàng hóa phổ biến…

Theo đánh giá của Ban tổ chức (BTC), Hội thi Dân vận khéo năm 2024 khu vực miền Trung - Tây Nguyên khép lại với những kinh nghiệm về diễn xuất, xây dựng kịch bản và hơn cả là kiến thức mới sẽ được cán bộ, chiến sĩ BĐBP áp dụng vào thực tiễn công tác để công tác dân vận ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các đội thi đã thể hiện rất tốt cả về nội dung cũng như hình thức, điều này tạo nên không khí sôi nổi qua các phần thi. Trong đó, điểm đáng ghi nhận ở phần thi thứ nhất, các đội thi đã xây dựng chương trình kịch bản chất lượng với hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, hấp dẫn, cách làm sáng tạo, mang màu sắc đặc trưng của tỉnh mình…Đặc biệt, ở phần thi giới thiệu, tuyên truyền về chương trình, mô hình, hoạt động tiêu biểu trong công tác vận động quần chúng thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa, nhiều đội đã có sự đầu tư, chuẩn bị công phu, xây dựng nội dung lẫn hình thức, cách thể hiện tiểu phẩm, tiết mục tuyên truyền công tác dân vận của đơn vị mình rất phong phú, sinh động, sát thực tế. Nhiều đội đã vận dụng linh hoạt giữa thuyết trình với phóng sự ngắn, hình ảnh minh họa, kết hợp sử dụng các chất liệu dân ca để giới thiệu và có sự hỗ trợ đắc lực của dàn nhạc cụ dân tộc…Nhiều đội lồng ghép vào nội dung tiểu phẩm một cách tinh tế về những mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi số, những đặc sản của làng nghề truyền thống địa phương. Thông qua các tiểu phẩm đã phần nào phản ánh được kết quả công tác dân vận trong thời gian qua. Hầu hết thành viên các đội là cán bộ vận động quần chúng, trinh sát, phòng chống tội phạm, nhưng khi lên sân khấu đã hóa thân vào vai diễn, tạo nên cảm xúc một cách chân thực. Các tiết mục trở nên đặc sắc, có chiều sâu hơn khi có sự tham gia của các cộng tác viên (cả cao tuổi và nhỏ tuổi) nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất…

Tiểu phẩm “Đồng lòng” của Đội thi BĐBP Đắk Nông cảnh báo người dân chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”.

Tiểu phẩm “Đồng lòng” của Đội thi BĐBP Đắk Nông cảnh báo người dân chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”.

Đánh giá về chất lượng thi, Đại tá Nguyễn Quốc Cường - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, Phó Trưởng BTC, Trưởng BGK cho biết, với sự công tâm của BGK, các giải thưởng đã được chấm chọn đúng với yêu cầu mà BTC đặt ra, trong đó: Giải Nhất được trao cho Đội thi BĐBP TP Đà Nẵng; giải Nhì thuộc về các Đội thi BĐBP Bình Phước, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế; giải Ba dành cho các Đội thi BĐBP Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum; các giải Khuyến khích cho Đội thi BĐBP Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Nông và Đắk Lắk. “Các đội thi ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có chất lượng cao, đồng đều. Điều đó cho thấy sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chỉ huy đơn vị cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên của đội” – Đại tá Cường nhìn nhận.

Công Hạnh - Thanh Trúc

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/suc-cuon-hut-tu-hoi-thi-dan-van-kheo-nam-2024-khu-vuc-ii-post300930.html